Khởi sắc
Mới đây, tại Salón del Manga de Barcelona - ngày hội truyện tranh lớn nhất của Tây Ban Nha, diễn ra từ ngày 1 đến 4-11, trong danh sách 10 cuốn truyện tranh nổi bật của sự kiện do Đài Phát thanh và truyền hình Tây Ban Nha lập ra để giới thiệu đến độc giả nước này, bên cạnh 9 cuốn truyện tranh Nhật Bản thì Việt Nam góp mặt 1 cuốn là Long Thần Tướng. Dù chỉ góp mặt một cách khiêm tốn nhưng đây thực sự vẫn là tin vui cho những người thực hiện cuốn sách nói riêng và truyện tranh Việt nói chung.
Trong nước, thị trường truyện tranh cũng bắt đầu xác lập vị trí của mình với sự xuất hiện của nhiều tác giả và tác phẩm. Có thể kể đến như tác giả Mèo Mốc với loạt truyện: Nhật ký Mèo Mốc, Chuyện đèn đỏ và cái lỗ đen vũ trụ, bộ truyện Tây du hí; Đặng Ngọc Minh Trang với Mật ngọt chết mèo, Lựu đạn nhân kẹo đường…
Điều dễ nhận thấy ở các tác phẩm truyện tranh ra mắt gần đây là sự phong phú, đa dạng trong đề tài, có sự chăm chút kỹ lưỡng về nét vẽ. Việc đón nhận nồng nhiệt của độc giả trong nước là minh chứng cho sức sống của truyện tranh Việt. Điển hình là bộ sách Long Thần Tướng, được nhóm Phong Dương Comics thực hiện theo hình thức góp vốn từ cộng đồng cách đây 4 năm. Thành công từ tập 1 giúp nhóm tiếp tục kêu gọi vốn từ cộng đồng cho tập 2. Dự kiến, bộ sách có 5 tập và hiện đã ra mắt 3 tập. Bộ truyện Lớp học mật ngữ của nhóm BRO trở thành sách bán chạy nhất trong 2 năm liên tục là 2016 và 2017.
Một sự kiện quan trọng đối với truyện tranh Việt là việc ra đời của Viện Phát triển nghệ thuật truyện tranh và phim hoạt hình (CMA) cách đây 4 năm. Cho đến nay, đây vẫn là cơ sở duy nhất đào tạo chuyên sâu kỹ thuật viên chuyên ngành họa sĩ truyện tranh, họa sĩ hoạt hình tại Việt Nam. Bùi Đình Thăng (Thăng Fly), tác giả của các bộ truyện tranh được yêu thích thời gian qua như: Cả nhà thương nhau, Quan trọng là phải đẹp trai, 100 điều anh yêu em, Vạn sự khởi đầu nan, gian nan đừng có nản, cho biết: “Cá nhân tôi thấy cơ hội đang sáng dần nhờ mạng xã hội. Không chỉ họa sĩ truyện tranh mà tất cả nghệ sĩ underground đều có cơ hội lớn bước ra ánh sáng nhờ mạng xã hội. Kiếm được tiền và theo đuổi được đam mê nhờ sự giúp đỡ của công nghệ”.
Theo anh Hoàng Anh Tuấn, trưởng nhóm BRO, người đã có 13 năm làm truyện tranh, anh chưa thấy khó khăn nào từ độc giả hay thị trường. Anh nói: “Cơ hội dành cho truyện tranh vẫn luôn mở từ thời họa sĩ Hùng Lân với Dũng sĩ Herman, đến năm 2002 xuất hiện Thần đồng đất Việt và hiện tại là sự xuất hiện của các họa sĩ trẻ. Làm truyện tranh cũng là một nghề, nó luôn luôn được chào đón, miễn là những người làm đủ tâm huyết để theo đuổi công việc của mình”.
Chất liệu quý cho điện ảnh
Lâu nay, người ta vẫn chỉ nhắc đến mối tương quan giữa văn học và điện ảnh, xem văn học là mảnh đất màu mỡ cho điện ảnh mà “ngó lơ” mảng truyện tranh. Giống như truyện ngắn, truyện dài hay tiểu thuyết, các tác phẩm truyện tranh hoàn toàn có thể mang đến một câu chuyện hay với những nhân vật đã được khắc họa một cách rõ ràng và cụ thể. Chưa kể, một số tác phẩm truyện tranh nổi tiếng còn sở hữu một cộng đồng yêu thích lớn. Thực tế, nhiều nước trên thế giới đã làm công việc này rất tốt như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… Nhiều bộ phim đã được ra mắt, được khán giả yêu mến, thậm chí trở thành bom tấn như Black Panther, Avengers: Infinity War, Deadpool 2, Alita: Battle Angel, Death Note - Quyển sổ tử thần…
Nhận thấy truyện tranh là mảnh đất đầy hứa hẹn cho điện ảnh, tại Việt Nam bước đầu đã có những thương vụ cho việc chuyển thể này. Đầu năm 2018, Ngô Thanh Vân chính thức công bố dự án điện ảnh dựa trên truyện cổ tích, hoặc chất liệu dân gian, trong đó có 5 phim về Trạng Tí, được chuyển thể từ bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt do Công ty Phan Thị sản xuất. Ra mắt từ năm 2002, hiện tại Thần đồng đất Việt đã xuất bản được 224 tập theo định kỳ 1 tháng/tập và là bộ truyện tranh Việt thành công nhất tính đến hiện tại.
Sau Thần đồng đất Việt, bộ truyện tranh hài hước Bad Luck (Số nhọ) của tác giả Nguyễn Huỳnh Bảo Châu cũng đã được mua bản quyền để chuyển thể thành phim. Phiên bản sitcom Bad Luck - Lời nguyền tuổi 17 được lên sóng bắt đầu từ ngày 5-11, trước khi thực hiện phiên bản điện ảnh chiếu rạp. Một số tác phẩm truyện tranh được xem là “ứng cử viên” nặng ký để chuyển thể thành phim như Long Thần Tướng, Địa ngục môn.
Trước xu hướng chuyển thể truyện tranh thành phim, họa sĩ Bùi Đình Thăng nhìn nhận: “Chuyển thể thành phim là một hướng đi rất tuyệt vời. Không chỉ người Việt Nam, phần đông đều thích coi phim hơn đọc sách. Việc chuyển thể thành phim mang đến cho tác phẩm truyện tranh một đời sống khác, tác giả chắc chắn sẽ vui hơn khi thấy đứa con của mình được đi xa, có nhiều người xem. Trước giờ chỉ có tiểu thuyết hoặc truyện chữ được lên phim, giờ có thêm truyện tranh chứng tỏ xã hội đã công nhận truyện tranh là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị”.
“Tôi có cơ hội tiếp xúc và làm việc trực tiếp với nhiều bạn trẻ ở vị trí là người tổ chức bản thảo. Tôi thấy được sự sáng tạo và nắm bắt nhanh nhạy xu hướng xã hội của người trẻ, cũng như tiếp cận những kiến thức, thông tin, công nghệ mới phục vụ cho việc làm nghề của các bạn. Đi nhanh để rút ngắn những gì nền công nghiệp truyện tranh trên thế giới đã đạt được, đó là mặt tốt. Nhưng các bạn thiếu sự chậm lại, hoặc điềm tĩnh để “biết mình, biết ta” và để cùng dắt nhau đi. Cùng dắt nhau đi mới là quan trọng, nếu chúng ta muốn Việt Nam có một nền công nghiệp truyện tranh thực sự”, chị Hoài Sâm, Trưởng phòng Biên tập truyện tranh, Công ty Phan Thị, phát biểu. |