Đóng cửa do… thoái trào
Ngày 2-1-2015, Công ty TNHH Parkson Hà Nội đột ngột cho ngừng hoạt động TTTM Parkson Landmark Keangnam vì lý do trung tâm này chưa ngày nào đạt doanh thu theo kế hoạch đề ra, sau 3 năm hoạt động. Ngay sau đó, hàng loạt TTTM khác cũng thông báo đóng cửa, gồm Parkson Paragon (quận 7, TPHCM, vào tháng 5-2016), Parkson Viet Tower (Hà Nội, tháng 12-2016). Và mới đây Parkson Flemington (số 184 Lê Đại Hành, quận 11, TPHCM) đã đóng cửa sau 8 năm hoạt động. Một trong những lý do hệ thống này ngưng hoạt động do doanh số ngày càng sụt giảm. Sự sụt giảm kinh doanh có thể thấy rõ khi so sánh lượng khách đến mua sắm tại các TTTM của Parkson đặt tại TPHCM. Điển hình như Parkson Cantavil kể từ khi khai trương đến nay luôn rơi vào tình trạng vắng khách. Nhiều gian hàng hiệu thường xuyên giảm giá bán 50% - 70% nhưng vẫn không kéo được sức mua. Ngay cả Parkson Lê Thánh Tôn tọa lạc trên con đường đẹp nhất của TPHCM cũng không có được lượng khách đông đúc như một TTTM khác nằm đối diện.
Mua hàng tại một cửa hàng tiện lợi Ảnh: CAO THĂNG
Đến nay Parkson chỉ còn 4 TTTM hoạt động tại TPHCM, gồm Lê Thánh Tôn, CT Plaza, Cantavil, Hùng Vương. Hà Nội không còn sự hiện diện của hệ thống này. Trong gần 2 thập niên hiện diện tại Việt Nam, Parkson với mô hình kinh doanh Department Store (bách hóa tổng hợp) đã tạo được tiếng vang. Parkson trở thành cầu nối, giới thiệu hàng trăm thương hiệu toàn cầu đến Việt Nam, còn người tiêu dùng cũng từng bước làm quen với mô hình mua sắm mới này. Tuy nhiên, từ năm 2011 trở đi tình hình đổi khác. Cùng với việc Việt Nam mở cửa theo các cam kết từ WTO, lĩnh vực bán lẻ hiện đại bùng nổ với sự vào cuộc cạnh tranh quyết liệt từ nhiều thương hiệu lớn trong khu vực. Nói cách khác, việc Parkson đóng cửa đánh dấu bước chuyển quan trọng của mô hình bán lẻ, khi được quyết định bởi hành vi của chính người tiêu dùng. Mô hình bách hóa tổng hợp cũng đang trở nên yếu thế tại nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Một số ý kiến cũng cho rằng, sự thoái trào trong kinh doanh không chỉ diễn ra trong loại hình bách hóa tổng hợp mà còn đang lan rộng đến một số kênh kinh doanh truyền thống, biểu hiện rõ nét là các siêu thị. Dù không nói ra nhưng một số hệ thống siêu thị đang gặp nhiều khó khăn bởi doanh thu ngày càng có dấu hiệu sụt giảm. Thay vào đó là các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini mở cửa suốt 24 giờ đang thu hút người tiêu dùng. Về lâu dài, nếu các siêu thị hiện hữu không có sự đầu tư thỏa đáng để nâng cấp và đa dạng hóa nhu cầu mua sắm, chắc chắn sẽ phải nhường thị phần cho các loại hình mua sắm hiện đại đang phát triển như “vũ bão”.
Thời của sự tiện lợi
Bên cạnh hệ thống cửa hàng tiện lợi, cung cấp những mặt hàng thực phẩm và tiêu dùng thiết yếu thu hút khá đông người tiêu dùng, một loại hình khác cũng đang phát triển mạnh. Đó là loại hình kinh doanh Shopping Mall (SM - trung tâm mua sắm), Omni-channel (bán lẻ đa kênh) kiểu mới xuất hiện, với ưu thế diện tích lớn đa chức năng, từ mua sắm đến giải trí, đang trở thành lựa chọn của nhiều gia đình tại các TP lớn. Trong số đó, Vingroup dù là đơn vị ra đời sau nhưng nhờ lợi thế của một nhà đầu tư bất động sản, sở hữu nhiều mặt bằng đẹp đã nổi lên như một hiện tượng, điều chỉnh lại “sân chơi” bán lẻ hiện đại tại Việt Nam.
Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, đến nay hệ thống siêu thị VinMart và chuỗi cửa hàng VinMart+ đã nằm trong tốp 2 nhà bán lẻ được người tiêu dùng chú ý và đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng 10 nhà bán lẻ uy tín năm 2017, theo thống kê của Vietnam Report. Hiện Vingroup đang sở hữu gần 70 siêu thị VinMart và khoảng 1.000 cửa hàng VinMart+, phủ rộng gần 30 tỉnh thành với tổng diện tích mặt bằng kinh doanh hơn 300.000m2, cùng chuỗi SM, tạo sự đa dạng cho khách hàng đến vui chơi và mua sắm.
Cùng với Vingroup, Saigon Co.op cũng đang tập trung đầu tư chuỗi siêu thị Co.opmart và các cửa hàng Co.op Food, Co.op Smile, các TTTM Sense City; đồng thời hợp tác với một số đối tác nước ngoài đẩy mạnh các loại hình kinh doanh hiện đại như SM, Ommi - Channel hay các đại siêu thị. Tổng Công ty thương mại Sài Gòn (Satra) cũng phát triển nhanh chuỗi cửa hàng Satrafood và các siêu thị Satramart…
Năm 2017, doanh số bán lẻ tại Việt Nam đạt xấp xỉ 129 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2016. Đây là mức tăng khá cao so với các nước trong khu vực. Với dân số gần 100 triệu người; trong đó gần 70% ở độ tuổi lao động, 34% sinh sống ở đô thị và GDP khoảng 2.385 USD/người (tăng 10% mỗi năm), thị trường bán lẻ tại Việt Nam được đánh giá có tiềm năng rất lớn. Trong đó, Hà Nội và TPHCM là 2 đô thị phát triển nhất. Mật độ bán lẻ tại đây còn rất thấp so với các thành phố lớn trong khu vực nên vẫn còn nhiều kỳ vọng để đầu tư, phát triển.
Theo tính toán, giai đoạn 2018-2021, được xem là thời điểm vàng để thị trường bán lẻ tăng trưởng, đáp ứng sự phát triển mạnh của các nhu cầu về giải trí (với mức tăng xấp xỉ 10%), tạp hóa hiện đại (tăng khoảng 9% hàng năm) và thời trang (tăng 6% hàng năm). Những dịch vụ cá nhân như gym, trung tâm thể dục, rạp chiếu phim cũng được dự đoán mở rộng với những tiêu chuẩn cao cấp hơn.
Khối ngoại lấn sân
Để đón đầu xu hướng này, các nhà đầu tư nước ngoài như TCC Group, Central Group (Thái Lan); Mapple Tree, Kepple Land (Singapore); Lotte, Emart (Hàn Quốc); Aeon, Takashimaya (Nhật Bản) đều có dự định đầu tư “mạnh tay” vào Việt Nam. Sự tham gia của các tập đoàn nước ngoài sẽ góp phần thúc đẩy sự năng động của thị trường, mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm cũng như dịch vụ chuyên nghiệp hơn, thông qua các hoạt động M&A với những thương vụ hợp tác, liên kết mang tính chiến lược giữa các nhà phát triển trong và ngoài nước.
Cạnh tranh bán lẻ sẽ tiếp tục diễn ra ở mức độ cao và trong cuộc đua để “giành đất, giành sân”, nhiều chuyên gia cho rằng, khối ngoại đang có nhiều thế mạnh từ đồng vốn đến kinh nghiệm lâu năm. Xét về quy mô và số lượng, khối ngoại hiện chiếm 59% về doanh số bán lẻ hiện đại. Đặc biệt ở khu vực cửa hàng tiện lợi, các nhà bán lẻ nước ngoài như Circle K, Shop & Go, B’s Mart, Family Mart, Ministop đang dẫn dắt thị trường, với tốc độ tăng trưởng số lượng cửa hàng đạt đến 260%/năm.
Sự gia nhập của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài là xu thế tất yếu. Song nói như một chuyên gia, cho dù doanh nghiệp nước ngoài có mạnh cỡ nào thì khi vào Việt Nam cũng sẽ do người Việt Nam tham gia quản lý, người tiêu dùng có quyền quyết định mua hàng gì và ở siêu thị nào. Tuy nhiên, để cạnh tranh được với doanh nghiệp ngoại, tự thân các doanh nghiệp trong nước cần nhìn lại mình, còn người tiêu dùng cũng nên ưu ái hơn cho các siêu thị và sản phẩm trong nước. Điều quan trọng hơn cả, các doanh nghiệp hiện đang rất cần những chính sách khôn ngoan và linh hoạt. Các chính sách này phải đủ sức là “người dẫn đường” cho doanh nghiệp phát triển, bằng không sẽ khó loại trừ được “sức nóng” từ cạnh tranh.