Họ đã bỏ trốn, đi ngược lên tận đầu nguồn sông Giăng. Sống nơi “thâm sơn cùng cốc”, bị muông thú đe dọa, lại sợ bị truy đuổi nên họ hình thành thói quen ngủ ngồi, và dần được biết đến là “tộc người ngủ ngồi”.
Bản Búng (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông) là bản xa nhất có người Đan Lai sinh sống, thuộc vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, giáp biên giới Việt- Lào. Trước, muốn vào được nơi đây chỉ có cách duy nhất là đi thuyền ngược sông Giăng hơn nửa ngày, qua nhiều ghềnh đá hiểm nguy, nên bản Búng là “bản 7 không” (không điện, không đường, không trường, không trạm y tế…). Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết phổ biến khiến người Đan Lai có nguy cơ thoái hóa giống nòi.
Giờ, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhịp sống bản Búng, với 112 hộ, 520 nhân khẩu, đã sang trang mới. Một con đường với 5 cầu treo được mở từ trung tâm xã Môn Sơn vào tận bản. Điện lưới quốc gia cũng vừa được kéo vào thắp sáng bản. Một điểm trường mầm non và tiểu học ra đời. Trạm quân dân y (do Báo SGGP phối hợp Bộ đội Biên phòng Nghệ An thực hiện) được “đặt ngay trong lòng bản”...