Lạm dụng đồ nhựa
Suốt thời gian dịch Covid-19 bùng phát mạnh cho đến nay, các hoạt động từ thiện xã hội cũng như người dân đều gia tăng sử dụng hộp, ly, thìa nhựa... qua các phương thức mua bán mang đi, mua bán trực tuyến. Ngoài ra, tại các cơ sở điều trị Covid-19, một lượng lớn khẩu trang y tế, găng tay cao su, đồ bảo hộ, kính chống giọt bắn… được thải ra ngoài cũng gia tăng áp lực lên việc xử lý loại rác đặc thù này.
Giữ thói quen thời điểm căng thẳng vì dịch bệnh, tại nhiều hàng quán ăn uống, tiệm tạp hóa, chợ, siêu thị trên địa bàn TPHCM, đa phần người bán vẫn đựng thực phẩm, đồ uống trong các túi ni lông, hộp xốp, chai lọ nhựa cho khách hàng. Ngay cả các chuỗi cửa hàng ăn uống có thương hiệu cũng sử dụng rất nhiều ly, ống hút, muỗng bằng nhựa dùng một lần để bán cho khách mang đi và dùng tại chỗ.
Tại một quán cà phê trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp), dù khách mua mang đi hay uống tại chỗ, nhân viên đều đựng đồ uống trong các ly nhựa, kèm ống hút, muỗng bằng nhựa. Tương tự, quán trà sữa N.H. trên đường Nguyễn Trãi (quận 1) cũng đựng đồ uống cho khách ngồi uống tại chỗ trong các ly nhựa, kèm ống hút và muỗng nhựa. Theo lý giải của chủ quán, các sản phẩm này được đặt ở cơ sở sản xuất với số lượng lớn nên giá thành khá rẻ, thuận tiện trong quá trình buôn bán, lại không mất thời gian rửa.
Theo thống kê của cơ quan bảo vệ môi trường, rác thải ni lông ở các chợ hiện nay chiếm đến 65% tổng lượng túi ni lông thải ra môi trường hàng ngày, gây ô nhiễm nghiêm trọng, nghẹt cống rãnh, mất mỹ quan đô thị. Khảo sát tại chợ Tân Chánh Hiệp (quận 12), chợ Gò Vấp (quận Gò Vấp), chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình)…, ghi nhận đa phần người dân giữ thói quen sử dụng túi ni lông trong các hoạt động trao đổi mua bán.
Đi vào phía trong các chợ, dễ dàng bắt gặp hình ảnh người tiêu dùng tay xách nách mang với đủ kiểu túi ni lông đựng thực phẩm, vật dụng mua sắm. Ở những hàng bán cá, cứ mua một con cá sẽ được đựng trong 2-3 chiếc túi ni lông. Thậm chí, ở hàng rau, mua vài cọng hành, ngò, trái ớt cũng được cho thêm một túi ni lông. Khi được hỏi, một số tiểu thương nhìn nhận, những túi ni lông này được dùng rất phổ biến, do các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ sản xuất và có giá thành rất rẻ.
Tái chế, sử dụng sản phẩm thân thiện
Hiện nay tại Việt Nam, chất thải nhựa khó phân hủy được thu gom và tái chế nhưng với tỷ lệ rất thấp, phần lớn là chôn, lấp, đốt hoặc nằm chờ trên những bãi rác, kênh rạch… Trong khi đó, lượng người dân chuyển sang sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường còn ở mức rất khiêm tốn.
Bà Phan Thị Thúy Phượng, Giám đốc Công ty Sản xuất bao bì thân thiện môi trường Phương Lan, cho biết, công ty đang sản xuất nhiều sản phẩm thân thiện môi trường, tự hủy sinh học như túi ni lông, túi cuộn thực phẩm, túi rác, ống hút, ly, hộp cơm… với giá thành rẻ. Khi thải ra môi trường, dưới tác động của nắng gió, vi sinh vật thì các sản phẩm này sẽ phân hủy hoàn toàn trong vòng 2 năm và không gây hại cho môi trường. Trung bình mỗi tháng, công ty bán khoảng 100 tấn thành phẩm. Trong đợt dịch vừa qua, sản lượng bán ra giảm mạnh do ngành du lịch, các chợ và siêu thị ngưng hoạt động.
“Chúng tôi thường xuyên đồng hành, kết hợp với Hội LHPN TPHCM và các quận huyện để tuyên truyền, vận động, cung cấp các sản phẩm thân thiện môi trường cho người dân, tiểu thương, siêu thị, bệnh viện trên địa bàn TPHCM và một số tỉnh thành lân cận. Sau hơn 10 năm vận động, tôi thấy có sự chuyển biến rõ rệt trong ý thức, thói quen của nhiều người về giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường”, bà Phượng vui mừng chia sẻ.
Theo số liệu khảo sát của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM (Citenco), số lượng rác thải sinh hoạt trong đợt dịch Covid-19 cao điểm vừa qua giảm nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, số lượng rác thải nhựa lẫn trong rác thải sinh hoạt lại gia tăng đáng kể. Bên cạnh đó, một lượng rác thải y tế không nguy hại cũng được đơn vị thu gom và tái chế, nhưng số lượng không nhiều, giảm 50% so với trước dịch.
“Từ tháng 10-2021, các hoạt động thu gom, tái chế rác thải nhựa đã được khởi động trở lại. Vừa qua, công ty đã hợp tác với tổ chức Liên minh tái chế bao bì Việt Nam để thu mua rác thải rắn từ các trạm trung chuyển, đơn vị thu gom rác dân lập, vựa phế liệu nhằm tái chế thành các sản phẩm hữu ích, giúp giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường. Dự án dự kiến khởi động lại vào tháng 12-2021 hoặc đầu năm 2022”, bà Nguyễn Thị Quế Lâm, Phó trưởng Phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng Công ty Citenco, chia sẻ.