Số ca mắc tăng cao
Tại Khoa Y học nhiệt đới - Bệnh viện (BV) Đà Nẵng, hiện đang thu dung, điều trị 90 ca mắc SXH, trong đó có 5 ca nặng. Tính từ đầu năm đến nay, cơ sở y tế này tiếp nhận điều trị 1.200 ca SXH, số ca nặng chiếm 3%-5%.
Không chỉ các BV tuyến trên mà tại trung tâm y tế tuyến quận, huyện cũng đang quá tải bệnh nhân SXH. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, TP Đà Nẵng ghi nhận hơn 3.600 trường hợp mắc SXH, cao gấp 146 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, hơn 1.400 trường hợp là trẻ em dưới 15 tuổi.
Mỗi ngày tại Khoa Bệnh nhiệt đới, BV Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận trung bình từ 15-20 bệnh nhân truyền nhiễm, trong đó chủ yếu là bệnh SXH.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi, từ đầu năm đến nay, có hơn 1.300 ca mắc SXH, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thành phố Quảng Ngãi là địa phương có số ca mắc cao, với gần 300 ca. Ông Lê Văn Trung - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế TP Quảng Ngãi, cho biết, thành phố đã xuất hiện 23 ổ dịch nhỏ.
Từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình bệnh SXH trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu diễn biến phức tạp, số ca mắc không ngừng tăng lên. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu, đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận hơn 565 trường hợp mắc SXH. So với cùng kỳ năm 2021, số trường hợp mắc SXH tăng hơn 190 trường hợp, trong đó có 2 ca tử vong.
Trước tình hình diễn biến ca mắc SXH gia tăng, ông Nguyễn Hoàng Tuấn Anh, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu) cho biết, đã triển khai xong chiến dịch diệt lăng quăng đợt 1; chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị, hóa chất cho công tác phòng chống bệnh SXH.
Tương tự, theo đánh giá của ngành y tế tỉnh Cà Mau, tình hình dịch SXH hiện nay đang diễn ra hết sức phức tạp. Tính đến nay, toàn tỉnh Cà Mau có hơn 710 người mắc SXH. Ông Trần Quang Khóa, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, cho biết vừa tổ chức lễ ra quân “Tháng cao điểm phòng, chống sốt xuất huyết năm 2022”. Qua đó, kêu gọi người dân dọn dẹp vệ sinh nhà, nơi ở, nơi làm việc thoáng mát để muỗi không có nơi trú ẩn; đậy kín các dụng cụ chứa nước, xử lý các vật dụng xung quanh nhà để lăng quăng không có môi trường phát triển. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở y tế cần tập trung các biện pháp phòng chống dịch, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để thu dung, điều trị người mắc bệnh; đặc biệt là phân tuyến điều trị đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Nhiều trường hợp bệnh nặng
Chiều 29-7, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, TP Cần Thơ cho biết, nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng nặng khi mắc SXH, có biến chứng nguy hiểm. Có trường hợp chủ quan, không nghĩ mình mắc SXH nên chỉ đến phòng khám tư chích thuốc. Chỉ đến khi tình trạng sốt, đau đầu, người quá mệt…, người bệnh mới vào Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long khám, được chẩn đoán mắc SXH Dengue ngày thứ 4.
Ngày 29-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận cho biết, địa phương vừa có thêm 2 ca tử vong do SXH. Như vậy, chỉ trong tháng 7-2022, tỉnh Bình Thuận đã ghi nhận có 4 ca tử vong do dịch SXH. Theo thống kê, đến khoảng cuối tháng 7-2022, tỉnh Bình Thuận ghi nhận trên 2.400 ca mắc SXH, tăng cao hơn 100% so với cùng kỳ năm 2021, tập trung tại các huyện Tánh Linh, Đức Linh và Hàm Tân. Hiện ngành y tế cùng với chính quyền địa phương tổ chức vệ sinh, phun hóa chất nơi bệnh nhân sinh sống. Đồng thời, khuyến cáo mỗi người dân chủ động, tự giác diệt trứng muỗi, diệt lăng quăng và diệt muỗi vằn để phòng chống bệnh SXH.
Theo TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, để nâng cao chất lượng điều trị và giảm tử vong, người mắc SXH nên nghỉ ngơi tại giường, uống đủ nước (trên 5 ly đối với người lớn), uống Paracetamol (dưới 4 gram/ngày đối với người lớn) và chườm ấm. Cùng với đó, người mắc SXH không nên uống thuốc Aspirin hay các thuốc chống viêm không steroid khác.
Đặc biệt, Bộ Y tế lưu ý, người mắc SXH tuyệt đối không được tự ý truyền dịch khi không có chỉ định của bác sĩ và cơ sở điều trị vì rất nguy hiểm tới tính mạng. Do đó, việc truyền dịch trong điều trị SXH, nhất là với bệnh nhân SXH nặng phải theo đúng phác đồ của Bộ Y tế.
Người mắc SXH khi thấy các triệu chứng nguy hiểm cần tới bệnh viện ngay, gồm: thấy khó chịu hơn mặc dù giảm sốt hoặc hết sốt; không ăn, uống được; nôn, đau bụng nhiều; taAXy chân lạnh, ẩm; mệt lả, bứt rứt; chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo; không tiểu trên 6 giờ; lú lẫn, vật vã hoặc li bì; khó thở. |