Gồng mình đối phó
Từ tháng 2-2019 đến nay, TPHCM ghi nhận hàng ngàn ca mắc SXH nhập viện. Theo Sở Y tế, tổng số ca mắc tính đến tuần 28 của năm 2019 đã là 27.153 ca, tăng hơn 165% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, 15.611 ca điều trị nội trú, tăng 153% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, đã có 5 trường hợp tử vong do SXH. Dịch SXH bùng phát khiến tình trạng quá tải tại một số bệnh viện (BV) tuyến cuối trên địa bàn thành phố càng trầm trọng hơn. Tại BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, trong 6 tháng qua đã tiếp nhận 5.799 bệnh nhân SXH nhập viện, phải kê thêm gần 30 giường nhưng chưa đủ. Tại các BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố, trung bình mỗi ngày tiếp nhận điều trị 50 - 70 bệnh nhi mắc SXH, trong đó có nhiều ca bị nặng.
Tương tự, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai lo lắng trước hơn 5.000 ca mắc SXH từ đầu năm đến nay, tăng cao gấp 3 lần năm ngoái. Ths.BS Nguyễn Hữu Tài, Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho biết đã áp dụng nhiều biện pháp phòng chống nhưng chưa dập được dịch. “Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh và tỷ lệ dân nhập cư cao, nhiều khu nhà trọ được xây dựng, là môi trường dễ phát sinh muỗi gây bệnh”, bác sĩ Nguyễn Hữu Tài băn khoăn.
Hàng loạt địa phương khác cũng đang gồng mình đối phó dịch SXH, như Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bạc Liêu, An Giang, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long… Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước có hơn 96.000 ca mắc SXH (trong đó 11 ca tử vong), tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân được Bộ Y tế lý giải là do nền nhiệt độ năm 2019 tăng cao hơn so với các năm trước, lượng mưa trung bình cũng tăng hơn. Trong khi đó, “đuôi” của mùa dịch năm 2018 kéo dài đến tận tháng 5-2019 và sự thay đổi của virus gây bệnh khiến cho số ca bệnh cộng dồn của năm 2019 tăng cao.
Không lơ là, hạn chế ca tử vong
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, để hạn chế dịch SXH cần tổng hợp các giải pháp, gồm chỉ đạo các quận huyện phối hợp chặt chẽ, kiểm tra xử phạt những trường hợp để phát sinh dịch bệnh và tăng cường tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng chống dịch bệnh cho người dân.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, nhấn mạnh việc phải sử dụng hóa chất để tiêu diệt muỗi vằn và lăng quăng, đặc biệt tại các công trình đang xây dựng. Đồng thời, ngành y tế phối hợp cùng các cộng tác viên đến tuyên truyền tại các khu trọ, hỗ trợ người dân sinh sống ở đây phòng chống SXH.
Để hạn chế số ca tử vong, Th.s Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, yêu cầu các BV tiến hành rà soát quy trình khám và điều trị đối với người bệnh SXH; bố trí khám sàng lọc linh hoạt bằng y bác sĩ có kinh nghiệm. Ngoài ra, BV phải bố trí khám lại và thời gian khám lại phù hợp, tránh quá tải.
Nhận định dịch SXH còn diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát lan rộng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các địa phương phải xác định sớm ổ dịch nhỏ và lớn để xử lý triệt để, hạn chế lây lan. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác tăng cường phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành ở chợ, trường học, BV, khu đông dân cư.
Đối với công tác điều trị, Bộ trưởng Y tế chỉ đạo cần giảm tỷ lệ tử vong do SXH ở độ 3, 4. Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề cao công tác truyền thông nâng cao nhận thức phòng chống dịch cho người dân. “Vấn đề cơ bản là truyền thông cho người dân phải bảo vệ chính mình, vì vậy mỗi hộ gia đình nên loại bỏ tình trạng có lăng quăng, bọ gậy bằng cách lật úp các dụng cụ chứa nước như lọ hoa, vỏ xe… Nếu có muỗi phải để cho cán bộ y tế đi phun thuốc diệt muỗi và khi có bệnh thì đến cơ sở y tế điều trị sớm theo hướng dẫn của bác sĩ. Lưu ý là ca bệnh nặng thì mới cần nhập các BV tuyến cuối, còn nhẹ thì đến cơ sở y tế tuyến dưới để theo dõi, nhằm giảm bớt quá tải và lây nhiễm chéo”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Bộ Y tế chỉ đạo khẩn cấp phòng chống dịch Bộ Y tế vừa có văn bản khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh SXH. Theo đó, đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo hoạt động diệt lăng quăng trên địa bàn ngay trong tháng 7 và duy trì hoạt động 1 tuần/lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng cao và 1 tháng/lần đối với các khu vực còn lại. Tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng chống SXH… Bộ Y tế cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành của chính quyền các cấp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thành phố và thực hiện xử phạt các hộ gia đình, các cơ sở, đơn vị vi phạm vệ sinh môi trường để phát sinh lăng quăng truyền bệnh SXH. THÀNH AN |