Ngày càng phức tạp
Ngày 5-5, tổ công tác lực lượng biên phòng của Hải đội 2 và tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu tuần tra phát hiện tại khu vực biển cách Côn Đảo 50 hải lý, tàu số hiệu TG 93518 TS (do ông Trần Hữu Tâm làm thuyền trưởng) có biểu hiện nghi vấn. Khi tổ tuần tra yêu cầu kiểm tra thì thuyền trưởng cho cắt dây neo tàu và bỏ chạy. Sau khi lực lượng biên phòng 2 lần nổ súng bắn chỉ thiên, yêu cầu tàu dừng lại, chấp hành hiệu lệnh kiểm tra thì thuyền trưởng mới chịu cho tàu dừng.
Theo lời khai của ông Tâm, trên tàu chứa khoảng 20.000 lít dầu DO. Trước đó 3 ngày, tàu chạy ra khu vực giáp ranh vùng biển Malaysia để mua 150.000 lít dầu DO của một tàu Thái Lan. Sau đó, tàu chạy về vùng biển Việt Nam và bán cho ghe cào khoảng 100.000 lít.
Ngày 5-5, khi đang bán dầu cho 4 ghe cào khác thì bị lực lượng biên phòng phát hiện. Số lượng dầu còn lại trên tàu không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa hợp pháp. Ngoài ra, qua kiểm tra, tàu TG 93518 TS là tàu gỗ cải hoán lại để chở dầu nên không có giấy phép vận chuyển hàng hóa có điều kiện.
Đại tá Bùi Văn Lua, Phó cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ đội Biên phòng), cho biết thời gian gần đây, Bộ Tư lệnh liên tục nhận được đơn thư tố cáo về việc xuất hiện một số nhóm đối tượng hoạt động buôn lậu, bảo kê theo kiểu xã hội đen tại vùng biển các tỉnh phía Nam.
Các đối tượng tự nhận có mối quan hệ thân tín với cán bộ, lãnh đạo một số cơ quan chức năng trong công tác chống buôn lậu; yêu cầu các công ty, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xăng dầu trên biển phải chịu sự “kiểm soát, cho phép” của chúng, hoặc phải thông qua một doanh nghiệp, công ty xăng dầu khác thì mới được hoạt động.
Đại tá Bùi Văn Lua chỉ rõ thủ đoạn của các đối tượng: Chúng sử dụng phương tiện trên biển có gắn các thiết bị theo dõi, quan sát, định vị để nắm các hoạt động liên quan và thực hiện việc thu tiền “làm luật”, bảo kê cho các đối tượng buôn lậu, vận tải trên biển. Doanh nghiệp nào không chiụ nộp tiền sẽ bị chúng thông báo cho lực lượng chức năng bắt, xử lý để cảnh cáo, dằn mặt. Vì vậy, một số doanh nghiệp đã gặp chúng để “xin được làm ăn yên ổn”.
Theo đánh giá của Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, thời gian qua, hiệu quả công tác chống buôn lậu chưa cao, chưa tương xứng với thực tế. Nguyên nhân của tồn tại đó, ngoài những lý do như bất cập về cơ chế, phương tiện chưa đảm bảo, còn là do công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng chưa tốt, chưa tập trung sâu, làm rõ các đối tượng chủ mưu, chủ hàng.
Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương yêu cầu các đơn vị xác định rõ đối tượng, địa bàn trọng điểm ở từng thời điểm, trên từng địa bàn gắn với từng loại hàng hóa để tập trung tổ chức đấu tranh hiệu quả. Đồng thời tăng cường nắm, quản lý tốt đối tượng, phương tiện để nâng cao hơn nữa hiệu quả chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Hoạt động buôn lậu xăng dầu lậu trên biển, nhất là giả danh có mối quan hệ thân tín với cán bộ, lãnh đạo một số cơ quan chức năng trong công tác chống buôn lậu, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự trên biển, đến sự cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp và ảnh hưởng uy tín của các cơ quan chức năng, Đại tá Bùi Văn Lua khẳng định: “Sau khi có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng lực lượng biên phòng, các đối tượng này đã “co vòi” lại nhưng vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Bộ Tư lệnh đã chỉ đạo các tỉnh, thành, đơn vị biên phòng tuyến biển tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiên quyết đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn ngay hành vi này, không để tiếp diễn”. |