Theo báo cáo của SAMA, lần đầu tiên tiền mặt không còn là phương thức thanh toán được sử dụng nhiều nhất tại vương quốc này mà đứng sau thanh toán điện tử trong tất cả các lĩnh vực và hoạt động kinh tế. Cụ thể, số giao dịch sử dụng hình thức thanh toán điện tử đã tăng đáng kể, đạt 57% vào năm 2021 trên tổng số các giao dịch được thực hiện, so với con số 44% của năm 2019.
Báo cáo của SAMA nhằm đo lường và phân tích sự phát triển của thị phần thanh toán điện tử so với tất cả các hình thức thanh toán khác trong các lĩnh vực khác nhau. Theo báo cáo, tổng số giao dịch tiền mặt và thanh toán điện tử được thực hiện tại Saudi Arabia trong năm 2021 là khoảng 11,3 tỷ giao dịch. Giá trị của 2 hình thức giao dịch thanh toán ước tính đạt 15,6 tỷ riyal (SR), tương đương 4,16 tỷ USD. Trong khu vực doanh nghiệp, tỷ lệ thanh toán điện tử là 84% vào năm 2021, so với con số 51% của năm 2019 và đạt mức tăng trưởng 65% trong vòng 2 năm.
SAMA cho biết, khu vực chính phủ đã gần như chuyển hoàn toàn sang các hình thức thanh toán điện tử khi tỷ lệ của hình thức thanh toán này chiếm hơn 99% tổng giao dịch mà chính phủ thực hiện để chi trả cho các đối tượng thụ hưởng khác nhau.
Nghiên cứu do SAMA thực hiện nằm trong khuôn khổ một trong những mục tiêu của Chương trình Phát triển khu vực tài chính (FSDP) của Saudi Arabia. FSDP đặt mục tiêu đưa Saudi Arabia trở thành một trong những quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ tài chính (FinTech) bằng việc biến Riyadh thành trung tâm FinTech toàn cầu. Chiến lược cũng nhằm tăng cường trao quyền tự chủ kinh tế cho các cá nhân và cộng đồng. FSDP cũng tìm cách thúc đẩy việc sử dụng các giải pháp thanh toán kỹ thuật số để chuyển đổi Saudi Arabia thành một xã hội không dùng tiền mặt.
Đây là kết quả của chính sách được Saudi Arabia triển khai từ năm 2019. Quốc gia này đặt mục tiêu 70% các hoạt động giao dịch tài chính sẽ được thực hiện qua hình thức thanh toán điện tử vào năm 2030 và tiến tới trở thành một xã hội không sử dụng tiền mặt. Đây cũng là một phần trong chương trình cải cách “Tầm nhìn 2030” của Saudi Arabia nhằm cải thiện hình ảnh đất nước, củng cố các hoạt động kinh tế và đầu tư, tăng cường thương mại quốc tế phi dầu mỏ, trong đó có kế hoạch giúp quốc gia Trung Đông này chuyển đổi từ phụ thuộc mạnh vào giao dịch tiền mặt trong mua sắm và dịch vụ sang sử dụng các phương thức thanh toán điện tử và kỹ thuật số. Một trong những mục tiêu của kế hoạch là cải thiện và tăng cường tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt, từ 18% trong năm 2016 tăng theo lộ trình lên ngưỡng 70% vào năm 2030.
Chương trình ra đời đã nhận được sự đồng tình của dư luận vì cho rằng xã hội không tiền mặt là xu hướng tất yếu. Trước những lo ngại về độ an toàn khi sử dụng hình thức thanh toán điện tử, giới chuyên gia cho rằng cần có chiến lược xây dựng xã hội không tiền mặt một cách chi tiết, triển khai các kế hoạch giám sát đồng bộ từ bảo đảm an ninh mạng cho tới thay đổi thói quen, hành vi của chính người dân.