Sự phát triển đáng chú ý nhất là ở châu Á, nơi thị trường này có trị giá ước tính đạt 53 tỷ USD, tức là hơn 50% nhu cầu trên toàn thế giới. Số liệu cho thấy, các gia đình châu Á ngày càng hạn chế đi ăn ở các cửa hàng, nhà hàng. Dù thị trường nhà hàng ăn uống của châu Á tăng 10% mỗi năm từ 2006 đến 2016, thì con số này dự kiến sẽ giảm 7,5% từ nay cho đến năm 2026. Công ty Nghiên cứu người tiêu dùng NPD Group cho biết 63% người dân Trung Quốc sử dụng web và ứng dụng để đặt đồ ăn, trong khi đó con số này ở Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt là 36% và 27%.
Nhà hàng online, hay còn gọi là bếp dùng chung, đang khai thác xu hướng này và trở thành một hiện tượng tại những thành phố lớn của Mỹ như New York và Chicago, nhất là sau khi các dịch vụ giao hàng như Uber Eats và Grubhub ra mắt. Hiện tại, xu hướng này đang lan rộng sang các thành phố của châu Á.
Ở Trung Quốc, nơi có dịch vụ giao hàng đang phát triển với tốc độ chóng mặt tại một thị trường trị giá 37 tỷ USD, các nhà hàng online cũng được mở rộng nhanh chóng.
Panda Selected, một công ty tổ chức không gian bếp chung có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết đã có hơn 500 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ của họ. Nhu cầu bùng nổ đã giúp công ty này mở 103 khu bếp chung trong vòng 3 năm tại khắp Bắc Kinh, Thượng Hải và 2 thành phố lớn khác.
CEO của Panda Selected Lý Hải Bằng cho biết, số lượng người Trung Quốc ăn tối bên ngoài đang giảm tạo nhiều điều kiện phát triển hơn cho các nhà hàng sử dụng bếp dùng chung và phục vụ khách qua các ứng dụng giao hàng. Xu hướng này đã giúp công ty tạo tỷ suất lợi nhuận trung bình là 20%, trong khi các nhà hàng thông thường chỉ là 10%.