Theo một báo cáo được công bố vào năm ngoái, hiện có hơn 108 triệu vật nuôi ở Trung Quốc, trong đó khoảng 60% là chó và phần còn lại chủ yếu là mèo. Đã có nhiều giống chó và mèo khác nhau được du nhập vào Trung Quốc, một số loại có giá lên tới 500.000 nhân dân tệ, tương đương hơn 1,7 tỷ đồng.
Số lượng vật nuôi ngày càng tăng đã tạo ra một ngành công nghiệp thịnh vượng, tăng trưởng trung bình 20%/năm từ năm 2010 đến năm 2020, nhanh hơn hầu hết các ngành khác. Thị trường vật nuôi tại các khu vực thành thị của Trung Quốc ước tính trị giá 298,8 tỷ nhân dân tệ (46 tỷ USD) vào năm 2020. Sách trắng dự báo rằng, thị trường vật nuôi của Trung Quốc sẽ có tốc độ tăng trưởng kép là 14,2% trong ba năm tới và trị giá 445,6 tỷ nhân dân tệ (70 tỷ USD) vào cuối năm 2023. Theo các chuyên gia, ngành này vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng, bởi đến nay mới chỉ có khoảng 17% gia đình Trung Quốc có vật nuôi, trong khi tỷ lệ này là 67% ở Mỹ và 62% ở Australia. Có nhận định cho rằng, ngành công nghiệp vật nuôi ngày càng gia tăng nhanh ở Trung Quốc giống như một phương án kinh doanh thay thế đối với các dự án phát triển bất động sản nhiều rủi ro.
Khi nhu cầu nuôi thú cưng tăng mạnh, các nhà máy sản xuất thức ăn và đồ chơi cho chó, mèo nhanh chóng mọc lên như nấm, chi phí y tế cho chó, mèo có thể cao hơn nhiều so với chi phí của các bệnh viện cung cấp dịch vụ y tế cho con người. Kể từ năm 2019, doanh số bán thức ăn nhập khẩu cho mèo đã vượt qua doanh số bán sữa bột trẻ em nhập khẩu tại siêu thị lớn Tmall Global của Trung Quốc.
Tuy nhiên, số lượng vật nuôi tăng gấp 2-3 lần có thể tạo ra những vấn đề nghiêm trọng nếu những thách thức hiện nay không được giải quyết và các quy định của luật pháp không được thực hiện nghiêm túc. Phân chó trên vỉa hè đã và đang là vấn đề nhức nhối ở nhiều địa phương. Mặc dù những người nuôi chó phải có nhiệm vụ dọn sạch, nhưng nhiều người phớt lờ điều đó. Trên đường phố, rất nhiều người vẫn còn dắt những con chó rất lớn, không đăng ký, vượt quá kích thước quy định và thuộc danh mục không được phép nuôi làm thú cưng ở các khu vực đô thị.
Theo tờ China Daily, thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải kiểm soát tốt hơn ngành công nghiệp vật nuôi. Các quy định liên quan đến vật nuôi cần được xem xét lại với mục đích bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của những người không phải chủ sở hữu vật nuôi. Các biện pháp thực thi phải chặt chẽ hơn để đảm bảo rằng không chỉ tất cả chó mà cả mèo đều được đăng ký, đồng thời ngăn chặn việc người dân tùy tiện bỏ rơi vật nuôi của họ. Ngoài ra, phí đăng ký nên được tăng lên để tăng nguồn thu của chính phủ. Điều này sẽ giúp trang trải chi phí tuyển dụng nhân lực để thực thi các quy định liên quan đến vật nuôi.