Thu hút nhà đầu tư
Mặc dù mới triển khai, song có thể thấy, sau gần 2 năm từ khi Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ĐMT tại Việt Nam, đã và đang tạo ra cú hích hấp dẫn các nhà đầu tư.
Những địa phương được đánh giá có tiềm năng, đi tiên phong trong việc thu hút đầu tư vào dự án ĐMT có thể kể đến như Ninh Thuận, Tây Ninh… Dự án do BIM Energy của Tập đoàn BIM Group và AC Energy thuộc Tập đoàn Ayala Philippines làm chủ đầu tư, được đánh giá là cụm nhà máy năng lượng ĐMT lớn nhất Đông Nam Á với 330MWp tính tới thời điểm hiện tại, chính thức khánh thành vào hạ tuần tháng 4 đã minh chứng cho sự bùng nổ, sức hút đầu tư vào dự án ĐMT ở nước ta.
Cụm 3 nhà máy ĐMT này khởi công vào tháng 1-2018 và thực hiện ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN vào cuối năm ngoái. Tính đến tháng 4-2019, cụm 3 nhà máy ĐMT của BIM đã bán sản lượng điện lên tới 15 triệu KWh.
“Đầu tư vào sản phẩm có tính phát triển bền vững là chủ trương lâu dài của Tập đoàn BIM Group. Cách đây 13 năm, chúng tôi nhận thấy được tiềm năng về địa hình, khí hậu và tài nguyên sẵn có của Ninh Thuận nên đã đầu tư vào phát triển năng lượng sạch ở đây và bắt đầu với cụm 3 nhà máy ĐMT. Tiếp theo BIM Group làm điện gió với mục tiêu phát triển ít nhất 1.000MWp năng lượng sạch tới năm 2025”, ông Đoàn Quốc Việt, Chủ tịch Tập đoàn BIM Group, cho biết.
Trước đó, nhà máy điện mặt trời Solar 1 của Công ty CP BP Solar đã chính thức hòa lưới điện quốc gia sau hơn 6 tháng khẩn trương thi công. Nhà máy có diện tích 62ha tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, với tổng mức đầu tư hơn 1.315 tỷ đồng. Nhà máy có tổng công suất 46MWp, sản lượng điện dự kiến khoảng 75 triệu kWh/năm.
Tương tự, cụm dự án ĐMT Dầu Tiếng (Tây Ninh) với 3 nhà máy có tổng công suất 500 MW trải dài trên diện tích khoảng 700ha, đã sẵn sàng lên lưới điện quốc gia 150MW đầu tiên và dự kiến phát điện thương mại vào giữa tháng 5, đến ngày 30-6 sẽ hòa lưới toàn bộ điện của các nhà máy còn lại.
Người dân háo hức
Ngoài những nhà đầu tư lớn, có tiềm lực, sức hút của dự án ĐMT còn lan tỏa đến nhiều hộ gia đình. Dù chỉ đầu tư vài tấm pin năng lượng trên mái nhà nhưng nhiều hộ gia đình không những đủ điện xài mà còn dư bán ngược lên lưới điện quốc gia. Từ đầu tháng 5 này với giá mua ĐMT 2.134 đồng/kWh (năm 2019), nhiều hộ dân đã có nguồn thu từ việc đầu tư dự án ĐMT.
Đơn cử, tại Công ty Điện lực Hóc Môn TPHCM, tính đến tháng 5-2019, công ty đã lắp đặt điện kế 2 chiều cho hơn 50 khách hàng lắp đặt ĐMT trên địa bàn và tiến hành mua điện “dư” của các khách hàng này về cho công ty. Công ty đã ký hợp đồng mua điện của khách hàng với đơn giá năm 2018 là 2.086 đồng/kWh và 2.134 đồng/kWh năm 2019 với tổng số tiền chi ra hơn 138 triệu đồng.
Ông Lê Ngọc Trí (ngụ ấp 2, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn) vừa được thanh toán tiền từ ĐMT cho biết, trước đây nhà sử dụng thường xuyên máy lạnh, tủ lạnh, quạt, hệ thống chiếu sáng… hàng tháng phải trả hơn 1,2 triệu đồng tiền điện. Sau khi lắp đặt ĐMT từ tháng 6-2018, ông Lê Ngọc Trí đã bán lại lượng điện hơn 1.500kWh cho ngành điện và được ngành điện trả hơn 3 triệu đồng.
Theo Bộ Công thương, đã có 121 dự án ĐMT được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và cấp tỉnh với tổng công suất dự kiến phát điện trước năm 2020 là 6.100MW. |
Theo bà Nguyễn Ngọc Tường Vi, quyền Trưởng ban kinh doanh của Tổng Công ty Điện lực TPHCM, tính đến nay đã có 1.432 công trình ĐMT áp mái của các hộ dân, đơn vị kết nối với điện lưới TP với tổng công suất 17,46MWp. Thông qua hệ thống đo đếm, lượng điện sản xuất từ các mô hình ĐMT phát lên lưới đạt hơn 4 triệu kWh. Nếu nhân với đơn giá mua điện năm 2019 thì số tiền ngành điện đã trả cho người dân để mua ĐMT là hơn 8,5 tỷ đồng.
Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Nam Nguyễn Văn Lý cũng cho biết, tính đến trung tuần tháng 5, đã có hơn 1.290 công trình ĐMT áp mái của người dân, đơn vị kết nối lưới điện quốc gia với sản lượng phát gần 3 triệu kWh, tổng công suất tấm pin đạt 20.299kWp.
Với hiệu quả thiết thực, thời gian tới đơn vị sẽ tăng cường tuyên truyền để khách hàng tiếp tục lắp đặt ĐMT. Trên thực tế, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng rất lớn về ĐMT. Trong đó, việc ứng dụng hệ thống pin năng lượng mặt trời lắp mái để sản xuất điện sẽ góp phần giúp các gia đình, doanh nghiệp giảm đáng kể chi phí tiền điện và giảm áp lực cung ứng điện cho ngành điện, đặc biệt là vào mùa nắng nóng.