Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an xác định, từ tài liệu trích xuất từ hệ thống phần mềm ERP của Công ty Nhật Cường và lời khai của bị can Nguyễn Bảo Ngọc (cựu Giám đốc tài chính Nhật Cường) thể hiện: Bùi Quang Huy và đồng phạm đã thông qua tiệm vàng Lộc Phát (số 65, phố Hà Trung, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) do Nguyễn Thị Thanh Loan làm chủ; tiệm vàng Thuận Phát (số 9A, phố Hàng Dầu, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) do Bùi Thanh Phượng điều hành để chuyển tiền hàng, tiền cước vận chuyển vào tài khoản tại nước ngoài của các chủ hàng, đường dây vận chuyển.
Trong đó, Cơ quan điều tra làm rõ tiệm vàng Lộc Phát chuyển hơn 1.700 tỷ đồng (trong đó chi tiền mặt hơn 1.100 tỷ đồng), số còn lại chuyển khoản vào 21 tài khoản của 12 cá nhân.
Tiệm vàng Thuận Phát chuyển hơn 700 tỷ đồng (tiền mặt gần 500 tỷ đồng), số còn lại chuyển khoản vào 1 tài khoản của 8 cá nhân. Khai tại cơ quan điều tra, một số cá nhân nhận tiền thừa nhận có nhận tiền mặt (không nhớ cụ thể số lần nhận, số tiền nhận) và tài khoản có nhận tiền do Công ty Nhật Cường chuyển.
Căn cứ tài liệu điều tra vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra đủ căn cứ kết luận: Bị can Bùi Quang Huy, cựu Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường có hành vi: Từ tháng 1-2014 đến tháng 5-2019 đã trực tiếp và chỉ đạo, cùng Trần Ngọc Ánh (cựu Phó Tổng Giám đốc Nhật Cường), Mai Tiến Dũng (cựu Trưởng ngành điện thoại cũ Nhật Cường), Hoàng Văn Phong (cựu Trưởng ngành hàng Apple Nhật Cường), Đỗ Quốc Huy (cựu Giám đốc bán hàng Nhật Cường) thỏa thuận, giao dịch mua tổng cộng 2.502 đơn hàng, với hơn 255.000 sản phẩm (điện thoại di động Iphone, máy tính bảng, máy tính, máy nghe nhạc, Apple TV, tai nghe, đồng hồ của hãng Apple…), tổng trị giá gần 3.000 tỷ đồng của 16 nhà cung cấp tại Hồng Kông, Trung Quốc.
Sau đó, liên hệ thuê các đối tượng vận chuyển trái pháp luật từ Hồng Kông về Việt Nam để tiêu thụ. Khi hàng hóa vận chuyển về Việt Nam, Bùi Quang Huy chỉ đạo Trần Ngọc Ánh, Nông Văn Lư (cựu nhân viên Nhật Cường) tiếp nhận hàng từ các đối tượng vận chuyển đưa về kho của Công ty Nhật Cường để nhập kho trước khi đưa đến các cửa hàng để tiêu thụ.
Đồng thời, Huy chi đạo Trần Ngọc Ánh, Đỗ Quốc Huy quản lý hàng hóa mua vào và bán ra, thuê các địa điểm để mở cửa hàng phục vụ việc tiêu thụ hàng hóa; chỉ đạo Trần Ngọc Ánh, Nguyễn Bảo Ngọc thanh toán tiền mua hàng cho các nhà cung cấp, người vận chuyển và nhập các đơn hàng đã mua vào hệ thống phần mềm ERP của Công ty Nhật Cường để theo dõi.
Cơ quan điều tra kết luận, hành vi của Bùi Quang Huy phạm vào tội “Buôn lậu” theo Khoản 4, Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, có vai trò chủ mưu.
Đối với bị can Ngọc, từ năm 2014 đến tháng 5-2019, thực hiện nhiệm vụ quản lý thu, chi liên quan đến các hoạt động của Công ty Nhật Cường.
Trong thời gian này, Ngọc biết việc Bùi Quang Huy và đồng phạm buôn bán trái pháp luật hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ nhưng Ngọc (theo sự chi đạo của Bùi Quang Huy và Trần Ngọc Ánh) vẫn thực hiện việc thanh toán tiền mua hàng cho các nhà cung cấp, thanh toán tiền cước phí vận chuyển cho người vận chuyển và nhập các đơn hàng nhập lậu vào hệ thống phần mềm ERP của Công ty Nhật Cường để theo dõi.
Hành vi của Nguyễn Bảo Ngọc đã phạm vào tội “Buôn lậu” với vai trò đồng phạm giúp Bùi Quang Huy buôn lậu hơn 255.000 sản phẩm điện thoại di động Iphone, máy tính bảng, máy tính, máy nghe nhạc, Apple TV, tai nghe, đồng hồ của hãng Apple...), tổng trị giá gần 3.000 tỷ đồng.