Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (1919 - 2019), gia đình nhà văn tổ chức tọa đàm và ra mắt sách Bùi Hiển - Người đánh thức lương tri vào ngày 16-11, tại Hà Nội.
Bùi Hiển bước chân vào văn chương có phần muộn vài ba năm so với bạn bè cùng thế hệ - được xem là “thế hệ vàng” của văn học Việt Nam. Tác phẩm đầu tay, truyện ngắn Nằm vạ, in trên báo Ngày nay của Tự lực văn đoàn năm 1940, sớm cho thấy phẩm chất và nội lực văn chương của Bùi Hiển. Ngày ấy, đánh giá về ông, nhà văn Thạch Lam viết: “Lối viết của ông giản dị và mạnh mẽ, thoáng qua một chút duyên kín đáo và có nhiều nhận xét tinh vi”. Cách mạng Tháng Tám thành công, như nhiều nhà văn tiền chiến khác, ông đi theo cách mạng, làm công tác văn hóa cứu quốc. Ông vừa sáng tác vừa tham gia quản lý văn hóa văn nghệ.
Nhìn lại di sản của Bùi Hiển, có thể thấy ông đã tham dự vào đời sống văn chương trên nhiều lĩnh vực: sáng tác, phê bình, tiểu luận, dịch thuật. Các tác phẩm của ông cũng bao quát nhiều đề tài từ nông thôn tới thành thị, từ phong tục tập quán tới các truyện ngắn mang tính luận đề… Dù ở lĩnh vực nào, viết về đề tài, đối tượng nào, ông luôn thể hiện sự chắt chiu, chọn lựa chi tiết kỹ lưỡng và tìm tòi cách thức thể hiện gần gũi mà tinh tế.
Bên cạnh những tác phẩm đã được xuất bản, nhật ký và thư từ của nhà văn Bùi Hiển được trích công bố lần này trong sách Bùi Hiển - Người đánh thức lương tri có thể được xem như “chứng từ” của một đời văn, đời người và một niên biểu về lịch sử văn chương hiện đại.
Đọc tác phẩm, độc giả sẽ nhận diện được quá khứ thông qua nhãn quan của một nhà văn đã tham dự tích cực vào văn chương, can dự trực tiếp vào nhiều biến cố, những bước ngoặt, những sự kiện định hình diện mạo văn học Việt Nam thế kỷ 20. Cuốn sách là nguồn tư liệu tốt, một ấn phẩm cần thiết cho các nghiên cứu văn hóa, văn học, lịch sử xã hội và cho những người theo đuổi nghiệp văn chương.