“Đai xanh” giữ xóm làng
Cù lao Bắc Phước gồm 3 làng là Duy Phiên, Hà La và Dương Xuân vốn là vùng đất nằm biệt lập được bao quanh bởi hai nhánh sông Thạch Hãn với diện tích chỉ khoảng 4km2, với 341 hộ dân, hơn 1.400 nhân khẩu.
Theo những bậc cao niên trong vùng, trước đây, đời sống của người dân nơi đây gặp muôn vàn khó khăn bởi sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Vốn nằm nơi vùng cửa ngõ đổ ra biển của con sông lớn Thạch Hãn nên mỗi mùa bão lũ, triều cường dâng cao làm xói lở tuyến đê bao do người dân tự xây đắp, hoa màu bị cuốn trôi, đất đai bị ngập mặn không sản xuất được khiến cuộc sống người dân cơ cực, nghèo đói. Cũng vì cái nghèo, đói bủa vây nên nhiều người cũng đã khăn gói bỏ làng đến các vùng kinh tế mới.
Cánh rừng ngập mặn tại thôn Bắc Phước (xã Triệu Phước, Huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) |
Đến năm 2006, niềm vui lớn đến với người dân Bắc Phước khi tuyến đê dài 7,6km bao quanh được nhà nước đầu tư xây dựng. Những năm sau đó, để bảo vệ tuyến đê, từ sự hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia về nâng cấp và bảo vệ đê điều của Trung ương, rừng bần chua cũng đã được hình thành.
Đến nay, đã có hơn 40ha rừng ngập mặn, chủ yếu là cây bần chua được trồng và phát triển xanh tốt, tạo thành vành đai bảo vệ tuyến đê, bao bọc xóm làng. Rừng bần cũng góp phần tạo cảnh quan, cải thiện môi trường sinh thái cho vùng và bảo tồn đa dạng sinh học.
Người dân mưu sinh dưới tán rừng ngập mặn |
Ông Trương Xuân Luật, Trưởng thôn Bắc Phước phấn khởi: “Cuộc sống của người dân nơi đây giờ đã khởi sắc, không còn cảnh nơm nớp lo đất đai sạt lở, chạy bão lũ, chạy ăn từng bữa. Rừng bần chua bao năm qua như bức tường xanh ngày càng vững chãi cùng tuyến đê bao bọc những ngôi làng, chắn sóng giúp người dân an tâm sinh sống, nuôi trồng và sản xuất. Nhận biết được giá trị to lớn từ rừng bần chua nên nhiều năm qua người dân cũng ra sức bảo vệ, giữ gìn”.
Sinh kế từ rừng
Chiều về, khi ánh mặt trời dần dịu lại cũng là lúc thủy triều xuống thấp, ông Trương Quang Lĩnh (57 tuổi, trú thôn Bắc Phước, xã Triệu Phước) đang xuôi thuyền dọc bìa rừng bần chua ngỏ lời mời cùng đi ra giữa đầm để đổ lừ khi chúng tôi hỏi mua cua.
Ngồi trên chiếc thuyền lắc lư dọc theo con lạch đi giữa rừng bần cao ngút, ông Lĩnh cho biết: “Sau nhiều năm mưu sinh, đánh bắt nơi vùng cửa biển, gia đình đã mạnh dạn đấu lại khu vực đầm với diện tích gần 22ha để đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản. Mỗi ngày đánh bắt bán được khoảng 600-900.000 đồng”.
Người dân đánh bắt ở khu vực rừng ngập mặn |
Vừa nói, ông Lĩnh vừa kéo những chiếc lừ từ dưới đầm lên, trong lừ nào là cá, cua, tôm lúc nhúc, “Thủy hải sản vùng này đa dạng, nào là cá dìa, cá đối, tôm, cua,…Tuy sản lượng có giảm so với trước đây nhưng được thương lái thu mua tại chỗ với giá cao vì là nuôi trồng tự nhiên nên người dân cũng đảm bảo thu nhập, cải thiện cuộc sống”, ông Lĩnh cho hay.
Khu vực rừng ngập mặn có nhiều tôm, cua đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân |
Ngoài vai trò chắn sóng, ngăn sạt lở, rừng bần chua Bắc Phước còn là nơi trú ngụ của hàng ngàn chim trời như cò, vạc, diệc xám... “Cứ chiều là từng đàn chim đủ loại từ khắp nơi bay về vùng rừng này để kiếm ăn và trú ngụ. Thấy chim về nhiều, cũng có nhiều người từ địa phương khác tới săn bắn nhưng đều bị người dân địa phương ra sức ngăn cản, bảo vệ đàn chim bất kể ngày đêm”, ông Lĩnh cho biết thêm.
Đàn cò trắng hàng nghìn con đã tìm về rừng bần chua Bắc Phước sinh sống từ nhiều năm nay |
Cù lao Bắc Phước đến nay có hơn 100 hộ làm nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, 10 hộ gia đình mạnh dạn đấu các vùng đầm ở khu vực rừng ngập mặn để nuôi trồng. Nhiều hộ gia đình nuôi tôm, cua mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng. Giờ đây, vùng cù lao cơ cực năm xưa đã khoác lên mình diện mạo mới với những ngôi nhà khang trang san sát, những con đường làng được bê tông hóa, đời sống người dân được cải thiện.
Ông Trần Thiện Nhân – Trưởng phòng NN-PTNT huyện Triệu Phong cho biết: Diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn chủ yếu tập trung tại các xã Triệu Độ và Triệu Phước với hơn 60ha. Trong những năm qua đã phát huy vai trò phòng hộ, giảm thiểu các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xây dựng môi trường sinh thái ven biển ổn định, cũng góp phần tạo sinh kế cho người dân. Nhận thấy tiềm năng, lợi thế từ rừng ngập mặn, một số địa phương cũng đã mạnh dạn đề xuất cho phát triển du lịch sinh thái, triển khai các dịch vụ ẩm thực, hoạt động du lịch trải nghiệm để nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.