Tác phẩm mỹ thuật đồ sộ
Bức tranh panorama Trận chiến Điện Biên Phủ được coi là một trong những bức tranh lớn nhất thế giới về đề tài chiến tranh. Với chiều dài 132m, cao hơn 9m cùng phần mái vòm liền kề thể hiện mây, trời, diện tích bề mặt của bức tranh lên đến 3.250m2, được thể hiện lên toàn bộ bề mặt phía trong tầng trên cùng của bảo tàng - tòa nhà hình trụ có đường kính 42m.
Gần 100 họa sĩ đã làm việc không ngừng nghỉ trong 2 năm rưỡi để hoàn thành bức tranh khổng lồ này, trong đó 4.500 nhân vật và khung cảnh núi rừng Tây Bắc đã được tái hiện một cách chân thực và sống động. Các giai đoạn của chiến dịch được thể hiện liên hoàn, kết hợp với các khối nổi và nhiều vật dụng trong chiến tranh được sắp đặt hợp lý, tạo nên một không gian vừa thực vừa ảo, gây ấn tượng mạnh mẽ cho người xem.
Theo bà Vũ Thị Tuyết Nga, Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ngay từ 10 năm trước, khi xây dựng bảo tàng, ý tưởng thực hiện bức tranh panorama đã được đưa vào trong thiết kế (giai đoạn 2 của công trình). Vào năm 2014, Công ty Bảo tồn di sản văn hóa đã đề xuất phương án, xây dựng đề cương và phác thảo ý tưởng. Sau nhiều lần vẽ, chỉnh sửa, phác thảo được đưa ra hội đồng nghệ thuật gồm các chuyên gia mỹ thuật hàng đầu của Việt Nam phân tích, đánh giá, đồng thời nhận được góp ý của các cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, các nhà sử học…
“Tuy nhiên, vào thời điểm đó ở nước ta chưa có cá nhân, tổ chức nào đủ năng lực thực hiện một bức tranh panorama có quy mô và kích thước lớn như vậy. Tỉnh Điện Biên cũng mời cả chuyên gia người Nga sang khảo sát và lên phương án nhưng bức tranh vẫn không được thực hiện”, bà Tuyết Nga nói.
Đến năm 2018, phương án thực hiện bức tranh mới được phê duyệt và đến tháng 11-2019, những nét vẽ đầu tiên của bức tranh Trận chiến Điện Biên Phủ mới được triển khai. Họa sĩ Nguyễn Văn Mạc, người được coi là “kiến trúc sư trưởng” của công trình nghệ thuật độc đáo này, cho biết, để thực hiện bức tranh, Công ty Bảo tồn di sản văn hóa đã mời các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực như: lịch sử, quân sự, mỹ thuật; các nhà văn, nhà báo, nhà biên kịch, đạo diễn, nhà điêu khắc... tham gia tư vấn.
Kỳ tích của nền mỹ thuật Việt Nam đương đại
Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 đã lùi xa 70 năm, song thông qua bức tranh panorama, du khách vẫn hình dung và cảm nhận rõ về cuộc chiến đấu đầy gian khổ nhưng rất hào hùng của thế hệ cha ông. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhận định, đây là một kỳ tích đặc biệt, chưa từng có của nền mỹ thuật Việt Nam đương đại.
“Có một thế hệ nghệ sĩ còn rất trẻ đã tự tin thể hiện khả năng nghề nghiệp khi bước ngược chiều thời gian, tái hiện thành công trên nền sử hào hùng và vĩ đại của dân tộc với Chiến thắng Điện Biên Phủ”, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nói. Còn họa sĩ Vương Duy Biên nhận định, bức tranh đã tái hiện toàn bộ không gian “chảo lửa” Điện Biên Phủ có ta, có địch, có mất mát và chiến công oanh liệt, có bộ đội, có dân quân du kích, có nhiều địa danh, vị trí, các trận đánh… Đó là một tác phẩm tổng hợp khá trọn vẹn chiến dịch Điện Biên Phủ đầy màu sắc và hài hòa.
Đây không chỉ là bức tranh tròn đầu tiên ở Việt Nam mà còn là tác phẩm lớn có sự kết hợp giữa hội họa và âm nhạc đầu tiên ở Việt Nam. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, người trực tiếp tham gia sáng tạo phần âm nhạc dành riêng cho tác phẩm mỹ thuật đặc biệt này, cho biết, ông đã mất 6 tháng để viết, trên cơ sở những tác phẩm đã chọn lựa trước đó và mất thêm 3 tháng để dàn nhạc dàn dựng hoàn chỉnh.
Bà Nguyễn Thị Tú, cựu chiến binh của Lữ 126 Hải quân (Hải Phòng) chia sẻ: “Tôi choáng ngợp khi bước chân vào phòng tranh panorama. Những giai đoạn của chiến dịch được tái hiện lại một cách liền mạch và rất hoành tráng. Khi quan sát kỹ bức tranh, tôi lại thấy hàng ngàn nhân vật của hai chiến tuyến được vẽ rất chi tiết, tỉ mỉ, sinh động, thể hiện rõ những cảm xúc đối lập”.
Ông Vũ Thành, họa sĩ ở phường Suối Hoa (Bắc Ninh) thì cho biết, bức tranh không chỉ thỏa mãn nhu cầu cảm thụ nghệ thuật, mà còn lột tả chân thực, trọn vẹn không khí hào hùng về một giai đoạn lịch sử tự hào, một chiến thắng quân sự mang tầm thời đại của cả dân tộc Việt Nam, khơi dậy lòng tự hào và yêu nước trong mỗi người.
Năm 2023, tác phẩm tranh tròn Trận chiến Điện Biên Phủ đã được trao giải nhất, giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Tác phẩm được đánh giá là kỳ tích của nền mỹ thuật Việt Nam đương đại. Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, đây chính là tác phẩm lớn, có giá trị cao mà người làm nghệ thuật luôn hướng đến.