Thẳng thắn nhìn nhận, năm 2023 vẫn là một năm kinh tế còn nhiều khó khăn, điều đã được dự báo từ 2 quý cuối năm 2022. Một số yếu tố bất lợi chưa bao giờ có đã đồng thời xảy ra. Đơn hàng từ bên ngoài giảm mạnh; tín dụng có thời điểm “khô kiệt”, có thời điểm ế ẩm, không chảy mạnh được vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Thị trường bất động sản từng đóng băng trong giai đoạn 2009-2012, nhưng không đến mức đứt gãy như hiện nay: Năm 2021, cả nước có 700 dự án bất động sản nhưng năm 2023 chỉ có khoảng 60-70 dự án và không có dự án quy mô lớn nào.
Tuy nhiên, không thể so sánh mức tăng trưởng năm nay với mức cao đột biến của năm 2022, vốn dựa trên một nền tảng rất thấp của năm 2021 bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tăng trưởng của năm 2023 dù không đạt mục tiêu cao như kỳ vọng, nhưng trong bối cảnh quốc tế, khu vực hiện nay, kết quả cả nước đạt được trong năm là tích cực, có xu hướng tăng dần, tạo đà tốt hơn cho việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024. Kết quả rà soát cho thấy, các động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) đều có cơ hội tăng trưởng tốt hơn trong năm 2024.
Về xuất khẩu, có sự tịnh tiến đáng mừng, tháng sau tốt hơn tháng trước và dần lấy lại đà tăng trưởng. Về tiêu dùng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã trên 9%, tiệm cận mức 2 con số. Trong lĩnh vực đầu tư (gồm đầu tư nhà nước, đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân), cơ hội trong năm 2024 cũng “sáng” hơn, nhất là đầu tư công với sự quyết tâm của Chính phủ. Thông qua các hoạt động ngoại giao kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài đang hứa hẹn triển vọng hơn, đặc biệt ở một số lĩnh vực mới như công nghệ bán dẫn, năng lượng tái tạo... Đầu tư tư nhân dù gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 dưới tác động của thị trường tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán trong nước, nhưng vẫn sẽ là khu vực có sức bật, có khả năng phục hồi và tăng trưởng hơn cả, càng cần được tập trung “nuôi dưỡng”. Từ bình diện đó cho thấy, kích thích được đầu tư trong nước gắn với phục hồi thị trường xuất khẩu có thể giúp nền kinh tế khởi sắc hơn trong năm mới.
Một điểm mới đáng lưu ý của năm 2024 là tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã quyết nghị ưu tiên tập trung “thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước nội dung ổn định kinh tế vĩ mô”. Điều đó khẳng định quyết tâm của toàn hệ thống chính trị về việc thúc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, phục hồi và bù đắp những hạn chế, giảm sút trước đây do tác động khách quan của đại dịch Covid-19 cũng như các tác động bất lợi của kinh tế thế giới trong năm 2023, thay vì đặt mục tiêu “ổn định kinh tế vĩ mô” lên hàng đầu.
Thực hiện phương châm đó, ưu tiên quan trọng là khơi thông thị trường bất động sản. Làm được điều này sẽ “hồi sinh” hàng ngàn dự án. Dĩ nhiên, vấn đề không đơn giản là đẩy tín dụng lên bằng mọi giá, thậm chí chấp nhận hạ chuẩn cho vay. Để tạo ra cầu tín dụng trong khối doanh nghiệp tư nhân, nên kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; khai thác thị trường nội địa; cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính…
Việc Chính phủ ban hành một nghị quyết riêng về môi trường kinh doanh, như từng làm liên tục vài năm trước đây, càng khẳng định sự quan tâm đến vấn đề này một cách đúng tầm mức, góp phần củng cố niềm tin kinh doanh. Không khó để nhận thấy, các nhà đầu tư tư nhân chưa thật sự yên tâm dốc vốn đầu tư vì lo ngại rủi ro hình sự hóa các quan hệ dân sự. Chẳng hạn, không nên vì một thời điểm khó khăn nào đó, doanh nghiệp nợ thuế, mà hạn chế quyền công dân của người đứng đầu doanh nghiệp. Trong nhiều trường hợp, nếu cơ quan quản lý nhà nước xử lý khéo léo hơn, rất có thể doanh nghiệp sẽ có cơ hội hồi phục, giữ được uy tín, trả được nợ thuế và lấy lại đà phát triển.
Đảng và Nhà nước đã chủ trương “không hình sự hóa” quan hệ dân sự, nhưng khái niệm này nhiều khi bị vận dụng không thống nhất. Giới doanh nhân rất mong muốn cụ thể hóa chủ trương này, giảm bớt những trường hợp có nguy cơ bị quy kết “kinh doanh trái quy định”, đồng thời gỡ bỏ quy định ràng buộc bất hợp lý nhằm khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên có những quy định tương thích với cam kết quốc tế để hỗ trợ khối doanh nghiệp trong nước, tạo điều kiện cho họ về hạ tầng, đất đai, nhà xưởng. Như các chuyên gia quốc tế nhìn nhận, Việt Nam có thế mạnh tiềm năng ở một số ngành công nghệ, thương mại điện tử…, điều quan trọng là nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thông qua dỡ bỏ tối đa rào cản, xây dựng hệ sinh thái công nghệ.
Nên đánh giá mọi việc dựa trên thực chất kết quả và có tâm thế chấp nhận những “bất thường trong giới hạn” có thể phát sinh, nếu muốn có được sự tăng trưởng bứt phá. Sinh kế và cuộc sống người dân năm 2024 chắc chắn sẽ tốt hơn năm 2023.
TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương
“Số vốn đăng ký cũng quan trọng, nó là chỉ dấu về sự quan tâm của cộng đồng đầu tư quốc tế đối với Việt Nam, nhưng số vốn giải ngân còn quan trọng hơn, là yếu tố có sức thuyết phục nhất đối với những nhà đầu tư đang xem xét khả năng rót vốn vào nền kinh tế của chúng ta. Kỹ hơn nữa, hãy xem xét vốn chảy vào đâu, tạo ra bao nhiêu giá trị gia tăng. Tôi cho rằng với năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế như hiện nay thì tình hình đầu tư nước ngoài năm 2023 là khả quan và năm 2024 sẽ sáng hơn, tuy chưa thể có bước nhảy vọt”, chuyên gia Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Dù cho tình hình thế giới còn rất khó dự đoán, một yếu tố quan trọng chắc chắn sẽ có tác động đến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2024, đó là việc tại kỳ họp cuối năm 2023, Quốc hội đã quyết định áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) 15% kể từ năm 2024. Điều này có nghĩa, các nhà đầu tư lớn đang được hưởng mức thuế ưu đãi thấp hơn 15% sẽ phải nộp bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp cho bằng mức này.
Không thể phủ nhận rằng, một trong những lý do khiến một số doanh nghiệp đầu tư sản xuất quy mô lớn tại Việt Nam chính là do được hưởng ưu đãi thuế. Trước khi nghị quyết nêu trên được Quốc hội ban hành, một số nhà đầu tư đã thẳng thắn ngỏ ý rằng, khi biện pháp ưu đãi đầu tư bằng thuế bị “vô hiệu hóa” mà không có các biện pháp ưu đãi bổ sung, họ sẽ cân nhắc khả năng mở rộng đầu tư tại Việt Nam và để ngỏ khả năng dịch chuyển sản xuất sang địa bàn khác. Quan trọng không kém, các động lực thu hút dòng vốn FDI chất lượng, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ giá trị gia tăng, năng lượng tái tạo hướng tới kinh tế xanh, kinh tế số cũng sẽ gặp không ít thách thức.
Thấy rõ điều này, Quốc hội khóa XV, trong Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 6, đã giao Chính phủ trong năm 2024 xây dựng dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư, thu hút các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư. Cùng với đó, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng đã được Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội kiến nghị đưa vào chương trình xem xét sửa đổi, bổ sung…
Chính sách cụ thể như thế nào còn phải chờ đợi quá trình đàm phán, thương lượng để đạt được sự chấp thuận của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và các bên có liên quan, nhưng thông điệp từ Chính phủ Việt Nam đã rất rõ ràng, góp phần quan trọng củng cố niềm tin cho nhà đầu tư về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Bàn về vấn đề này, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM, nhận định, có rất nhiều cách hỗ trợ hiệu quả, như tiếp tục đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quốc gia; hỗ trợ đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ cao và kinh tế xanh; tạo thuận lợi về thủ tục hành chính…
Tăng cường gắn kết giữa tất cả thành phần doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam để cùng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu là một khuyến nghị quan trọng khác.
“Nguồn vốn FDI dồi dào đã cho Việt Nam một hình ảnh mới trên bản đồ thương mại, nhưng chưa thể kéo nền kinh tế lên nấc thang giá trị cao hơn. Nhập khẩu đầu vào để gia công, lắp ráp của Việt Nam có giá trị gia tăng thấp, lan tỏa công nghệ yếu”, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP), khái quát.
Để khắc phục nhược điểm cố hữu này, các cơ quan quản lý cần rà soát toàn bộ hệ thống pháp lý thu hút/ưu đãi đầu tư; xử lý tốt bài toán hài hòa lợi ích quốc gia và nhà đầu tư, sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đầu tư…, nhất là các quy định về chuyển giao công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững. Cùng với đó là tạo ra sự kết nối giữa các vùng, thúc đẩy phát triển cụm công nghiệp; hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu; phát triển ngành công nghiệp phụ trợ theo các chuỗi liên kết.
Đối với TPHCM, PGS-TS Trần Hoàng Ngân cũng cho biết, khi tham gia đoàn công tác của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Hoa Kỳ, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã gặp gỡ gần 30 doanh nghiệp lớn của nước này trong các lĩnh vực, như năng lượng, hạ tầng, công nghệ cao, công nghệ thông tin, tài chính, đổi mới sáng tạo... để xúc tiến đầu tư. Người đứng đầu chính quyền thành phố có nhiều buổi làm việc với lãnh đạo Marvell, công ty toàn cầu về thiết kế vi mạch, phát triển các vi mạch sử dụng trong hạ tầng dữ liệu; với Pacifico Energy, nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo...
Động thái chủ động này đã thu hút sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp lớn sở hữu công nghệ cao. Nhờ đó, ngay sau các buổi gặp gỡ, nhà đầu tư sẵn sàng ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với địa phương. Bên cạnh TPHCM, một số địa phương khác như Bình Dương, Long An, Đồng Nai… cũng chủ động tìm kiếm, mời gọi nhà đầu tư và nhận được tín hiệu rất tích cực. Có cơ sở để dự báo một làn sóng đầu tư mới từ các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Và tất nhiên, các doanh nghiệp ở mọi châu lục khác khi nhìn thấy cơ hội rộng mở, chắc chắn cũng sẽ không đứng ngoài cuộc.
ANH THƯ