Lùi lộ trình tăng học phí
Nghị định 97 điều chỉnh lộ trình học phí như sau: giữ ổn định học phí từ năm học 2023-2024 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông bằng mức học phí năm học 2021-2022; lùi lộ trình học phí của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập 1 năm so với quy định tại Nghị định 81(tức là học phí năm học 2023-2024 tăng so với học phí năm học 2022-2023, nhưng mức tăng thấp hơn so với lộ trình quy định tại Nghị định 81) để phù hợp với điều kiện thực tiễn và giảm bớt khó khăn cho học sinh, sinh viên; các chính sách miễn, giảm học phí được quy định tại Nghị định 81 tiếp tục được giữ nguyên để hỗ trợ các đối tượng chính sách và có hoàn cảnh khó khăn.
Như vậy, học phí các chương trình đại trà ở tất cả các trường đại học công lập trên cả nước trong năm học 2023-2024 sẽ có mức trần như sau: học phí khối ngành Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên: 12,5 triệu đồng/năm (tăng 2,7 triệu đồng so với năm học 2022-2023); khối ngành Nghệ thuật: 12 triệu đồng/năm (tăng 300.000 đồng); khối ngành Kinh doanh và quản lý, pháp luật: 12,5 triệu đồng/năm (tăng 2,7 triệu đồng); khối ngành Khoa học sự sống, khoa học tự nhiên: 13,5 triệu đồng/năm (tăng 1,8 triệu đồng); khối ngành Toán và thống kê, máy tính và CNTT, công nghệ kỹ thuật: 14,5 triệu đồng/năm (tăng 2,8 triệu đồng); khối ngành Y dược: 24,5 triệu đồng/ năm (tăng 10,2 triệu đồng); các khối ngành Sức khỏe khác: 18,5 triệu đồng/năm (tăng 4,2 triệu đồng); khối ngành Nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội: 12 triệu đồng/năm (tăng 2,2 triệu đồng). Như vậy, so với năm học 2022-2023, mức học phí của các cơ sở giáo dục đại học chưa tự chủ của 7 khối ngành tăng từ 0,3-10,2 triệu đồng/năm, tùy khối ngành. Trong đó, tăng nhiều nhất là khối ngành Y dược và các khối ngành Sức khỏe khác, mức tăng 4,2-10,2 triệu đồng/năm.
Trong khi đó, với các trường đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (tự chủ) như các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Trường ĐH Y dược TPHCM..., mức học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức phí các trường công lập chưa tự chủ, tương ứng với từng khối ngành và từng năm học. Với những trường đại học công lập tự chủ hoàn toàn (tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư) như ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân..., mức học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức học phí tương ứng với từng khối ngành. Riêng các trường đại học tư, có trường sẽ tăng học phí không quá 10% so với năm 2023 và có trường công bố không tăng học phí.
Nỗ lực tăng các chính sách hỗ trợ
Theo TS Phan Hồng Hải, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, dù trường tự chủ tài chính nhưng năm học 2023-2024 được phép tăng gấp 2 lần so với mức học phí điều chỉnh của Nghị định 97. Tuy nhiên, nhà trường quyết định giữ nguyên mức học phí như năm học 2022-2023 để giảm bớt khó khăn cho người học. Trong bối cảnh hiện nay, không tăng học phí thì sẽ khó cải thiện chất lượng đào tạo, tiền lương giảng viên; nhưng nếu tiếp tục tăng thì sẽ rất khó cho người học vì tình hình kinh tế đang khó khăn. Hơn nữa, đây là chính sách chung của Chính phủ, các trường nên ủng hộ để chia sẻ khó khăn với người học. Dù không tăng học phí nhưng nhà trường vẫn sẽ duy trì các chính sách về miễn giảm học phí và tìm kiếm các nguồn học bổng cho sinh viên. Trong năm học 2023-2024, trường sẽ dành 45 tỷ đồng để trao học bổng và hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
TS Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho biết, dù là trường tư nhưng năm nay nhà trường quyết định không tăng học phí ở tất cả các khóa để hỗ trợ người học. Bên cạnh đó, nhà trường duy trì chính sách hỗ trợ tài chính với 17 đối tượng diện chính sách (10 tỷ đồng) và chính sách học bổng (35 tỷ đồng) xét theo năm dành cho sinh viên.
Tương tự, TS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh, Trường ĐH Công thương TPHCM, cho rằng, xu hướng các trường tự chủ sẽ ngày càng nhiều, đồng nghĩa học phí sẽ được điều chỉnh sát với chi phí đào tạo. Khi điều chỉnh, trong đó có tăng học phí, sẽ gây tâm lý e ngại, thậm chí là khó khăn với người học cũng như xã hội. Tuy nhiên, cùng với việc tăng học phí, khi thực hiện tự chủ, các trường phải cam kết dành ít nhất 8% nguồn thu học phí để lập các quỹ học bổng, hỗ trợ sinh viên. Cùng với việc tăng học phí, các trường cũng có thêm nhiều chính sách (huy động từ các doanh nghiệp, mạnh thường quân) để hỗ trợ người học diện trong và ngoài chính sách.