Trước đó, báo cáo của Chính phủ cho biết, quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng dự báo đạt gần 4 triệu tỷ đồng; tốc độ tăng GDP dự báo đạt khoảng 5,8%, thấp hơn 0,42 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (tăng 6,22%) và thấp hơn 0,12 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản Chính phủ cập nhật lại tại thời điểm quý I năm 2021 (tăng 5,92%).
Thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 55,5% dự toán, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2020, xấp xỉ so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2019. Chi NSNN ước đạt 43% dự toán; giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm ước đạt 34,15% kế hoạch (cùng kỳ năm 2020 đạt 34,85%).
Đáng lưu ý, hoạt động của doanh nghiệp dự báo còn khó khăn, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới dự báo tiếp tục xu hướng tăng thấp (khoảng 1,6%) nhưng số vốn đăng ký mới dự báo xu hướng tăng cao (khoảng 34,8%); xu hướng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức khá cao.
Vấn đề ở chỗ, theo ông Nguyễn Hoa Cương, hiện chưa có đủ dữ liệu cần thiết về chất lượng phát triển thực sự của doanh nghiệp, từ đó thiết kế những chính sách hỗ trợ có hiệu quả.
Từng theo dõi hoạt động của doanh nghiệp 20 năm qua, chuyên gia này nhận xét, hiện tại có nhiều chỗ trên bức tranh doanh nghiệp “không có màu”.
“Chưa nói tích cực hay tiêu cực, nhưng có rất nhiều câu hỏi chúng ta không trả lời được. Ví dụ tuổi thọ trung bình của doanh nghiệp là bao lâu? Ra đời bao lâu thì phá sản? Số phá sản rơi vào các doanh nghiệp mới thành lập trẻ hay đã tồn tại lâu hơn?”, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương băn khoăn. |
Vẫn theo chuyên gia này, nếu tính từ năm 1991 - thời điểm khi có Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty đến nay thì tổng số doanh nghiệp “sống sót” sau 30 năm đạt trên 50% - một con số rất cao so với các nước trong nhóm OECD (sau 2-3 năm tỷ lệ phá sản trên 30%; sau 4-5 năm “bật bãi” khoảng một nửa).
Tuy thế, rất khó để đánh giá sâu về hoạt động của từng khối doanh nghiệp khác nhau về ngành nghề kinh doanh, quy mô trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội bình thường và trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19 nói riêng. Đặc biệt, với khu vực hộ kinh doanh, với đóng góp lên đến 30% GDP, cao hơn bất kỳ một khu vực doanh nghiệp nào, ông Cương đề nghị có những khảo sát cụ thể hơn, từ đó có sự theo dõi và điều chỉnh của pháp luật. Phải có những nghiên cứu rất rõ ràng và chi tiết như thế mới có thể thiết kế các chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả - chuyên gia này nhấn mạnh.