1. Sáng sớm, chị Minh Châu (28 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) đã ra ngoài, không quên cầm phiếu mua nhu yếu phẩm theo ngày do trưởng ấp phát. Xếp hàng mua thịt, đồ khô và mấy loại rau củ, chị nhanh chóng về nhà chứ không rề rà mua linh tinh như trước. “Nhiêu đây cả nhà tôi đủ ăn 3-4 bữa. Bây giờ phải tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch, hơn nữa ra đường lúc này cũng sợ mắc bệnh”, chị nói. Thường ngày, giờ giấc sinh hoạt của mỗi người trong nhà chị khác nhau, nên ít khi ngồi ăn chung. Khi không thể đặt đồ ăn bên ngoài, giờ cả nhà thống nhất sẽ ăn cùng nhau để dễ tính toán chuyện nấu nướng.
Theo chị Minh Châu, gia đình chị bắt đầu ăn uống đơn giản hơn, có phần tiết kiệm. Bữa sáng nhiều khi là món cơm nguội được chiên lại, bánh ngọt, trưa là thịt kho kèm rau luộc… Các món trở nên tùy hứng, không cần phải “đúng bài” như trước. Bánh tráng cuốn với xúc xích, trứng luộc cắt nhỏ… chấm nước tương cũng ngon không kém gì cuốn thịt luộc, mắm nêm như ngày trước; nồi canh chua thiếu đậu bắp, bạc hà cũng chẳng sao. Chị chia sẻ: “Cả nhà còn được mạnh khỏe bên nhau là mừng rồi, chuyện ăn uống không đặt nặng nữa”.
Do ở nhà dài ngày, chị Minh Châu trở nên yêu thích việc nấu nướng, trân trọng bữa cơm gia đình. Món ăn dù hơi mặn hoặc hơi nhạt, hình thức có thể không bắt mắt nhưng nếu chính tay mình nấu cho người thân yêu thì đó đều là thứ ngon. Chị cũng tạm quên nỗi lo dịch bệnh, rồi nỗi buồn bị giảm lương. Thời gian rảnh rỗi, chị còn “tận dụng” vật dụng trồng rau từ chiếc thau bể, tô nhựa, vỏ chai nước. Chị cho biết, việc mua rau không dễ dàng như trước nên chị đã thử trồng hành lá, tận dụng những củ khoai lang tím mọc mầm, những trái cà chua chín quá đem trồng. Việc này còn giúp chị thư giãn, đỡ suy nghĩ vẩn vơ trong những ngày phải ở nhà. Chị hóm hỉnh: “Không ngờ có một ngày cầm cọng hành cũng thấy quý, ăn dĩa rau muống xào, tô mì trộn, cơm nguội mà ngon vô cùng. Nấu được nồi chè chỉ có đậu xanh với đường nhưng cả nhà khen nức nở”.
2. Chừng chục ngày nay, chị Phương Uyên (ngụ quận Tân Bình) thường đăng tải lên trang facebook cá nhân hình ảnh món ăn do mình nấu. Trước ngày giãn cách, cha mẹ chị ở Đồng Tháp đã gửi lên nào là cá lóc, tôm, rau củ, trái cây nên dù không đi siêu thị, chị vẫn xoay xở để mỗi ngày chuyện cơm nước được tươm tất.
Chị nói: “Tôi đăng facebook không phải để khoe khoang gì. Chỉ là qua những câu chuyện vui vui khi nấu ăn, tôi nhắc mình và mọi người giữ sức khỏe, giữ tinh thần lạc quan trong lúc này”.
Do con trai mới 5 tuổi, hơi biếng ăn nên bên cạnh việc nhà, chị còn tìm cách trị chứng này của con. Bé đã quen nhai kẹo bánh, uống nước ngọt, tới bữa cơm thường ăn rất ít. Không thể chiều con với thói quen ăn uống như vậy mãi, chị giảm dần snack, nước ngọt, thay vào đó là những món lành mạnh hơn như rau câu, sữa chua trái cây tự làm. Riêng cơm và các món súp, cháo, chị băm nhỏ rau củ và thịt cá trộn vào sao cho đẹp mắt để bé không ngán.
Bạn bè chị Phương Uyên khi thấy hình ảnh các món như cháo bí đỏ, súp gà, sữa chua… do chị đăng tải trên mạng xã hội đã hỏi cách chế biến, bộc bạch nỗi niềm chăm con mùa dịch.
“Nhờ vậy tôi cũng bớt căng thẳng, mỗi ngày có thêm niềm vui chia sẻ cùng mọi người. Tôi cũng hiểu con trai mình hơn, không phải bé lười ăn mà là do mình không chú ý thói quen ăn uống của con, không chịu tìm hiểu nguyên nhân mà cứ la mắng”, chị nói. Những ngày giãn cách, qua chuyện ăn uống, chị có thời gian suy nghĩ, phân tích cách dạy con cho phù hợp hơn.
Những ngày dịch bệnh, thói quen ăn uống của người dân thành phố có phần thay đổi: không còn những món ăn sẵn có, những hàng quán sáng đèn chờ đợi thực khách; bước chân của mỗi người chỉ còn loanh quanh trong căn nhà, gian bếp. Thời “cần gì có đó” tạm ngưng lại, giờ đây ai cũng có thể làm đầu bếp, tự lo bữa ăn của mình và gia đình. Ngôi nhà là nơi nương náu bình yên, an toàn. Và, những ngày qua nhắc nhở mỗi người rằng, khi không đặt nặng những tiện nghi và hình thức bên ngoài, trở về với những nhu cầu thiết thân nhất, mỗi người sẽ tự tìm thấy niềm vui giữa cuộc sống này.