Sau hơn 2 tháng khai trương, từ 40 suất cho bệnh nhân suy thận, đến nay Doanh nghiệp Cỏ May đã tài trợ hơn 70 suất cơm dinh dưỡng/ngày cho cả bệnh nhân các khoa Lao, Nội, Tim mạch lão học, sinh viên nghèo thực tập, lao công và bảo vệ bệnh viện.
Chia sẻ những khó khăn của bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, các thành viên trong nhóm còn đóng góp công sức, tiền bạc và vận động cung cấp 200 phần cháo dinh dưỡng, 200 gói cơm gạo lứt muối mè mỗi ngày cho các đối tượng. Việc làm nhân đạo thiết thực này đã giúp nhiều bệnh nhân nghèo, trong đó có bệnh nhân suy thận, quên bớt nỗi đau bệnh tật, có thêm niềm tin trong cuộc sống.
Nhóm thiện nguyện phát cơm dinh dưỡng cho bệnh nhân suy thận tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, 69 tuổi, người khởi xướng ý tưởng hỗ trợ bệnh nhân suy thận mãn tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, chia sẻ: “Tôi thường vận động giúp đỡ người nghèo bị bệnh nên hay ra vào bệnh viện. Có lần đi tới cầu thang Khoa Thận nhân tạo, gặp một bệnh nhân khoảng hơn 60 tuổi ngồi gục đầu dựa vào lan can cầu thang với vẻ đờ đẫn, phờ phạc. Tôi hỏi thăm mới biết bà mới vừa chạy thận, người đói và mệt mà con cái bận làm thuê, chưa đến rước về nhà. Sau nhiều đêm trăn trở, tôi nói với các bác sĩ ý định về hỗ trợ suất ăn dinh dưỡng cho bệnh nhân suy thận, bởi ai không may va vào căn bệnh này, nếu có giàu cũng trở thành nghèo”.
Được sự đồng tình của ban giám đốc bệnh viện, bà Nga đã gõ cửa Doanh nghiệp Cỏ May và một số anh chị em, cô bác phật tử thường làm công tác thiện nguyện. Đến nay, nhóm quy tụ gần chục người, mỗi người một việc, cùng vận động, phân công và phối hợp nhịp nhàng để có được niềm vui chung là nhìn thấy người bệnh nghèo được an ủi, ấm lòng.
Ngoài hai món chính canh và món mặn, anh Trương Minh Đức (ngụ khóm 4, phường 1, Sa Đéc) còn trích một phần thu nhập hàng tháng của gia đình để lo thêm cá, trứng cho người bệnh. Mỗi ngày, anh nhận chuyên chở cơm từ Doanh nghiệp Cỏ May vào bệnh viện.
Anh Nguyễn Duy Khoa (38 tuổi, ngụ khóm 2, phường 1) tâm sự: “Hai vợ chồng cũng mưu sinh vất vả nhưng vợ em vẫn mua tàu hũ để phụ anh Đức nấu thêm món ăn cho bà con. Em mong làm ăn khấm khá để ủng hộ từ thiện nhiều hơn. Hy vọng với công sức nhỏ của mình sẽ góp phần giúp mọi người mau lành bệnh”. Chị Cao Dung, giáo viên về hưu ở khóm 2, phường 2, cũng tranh thủ việc nhà, mỗi ngày đến phòng ăn Khoa Thận nhân tạo để phụ dọn dẹp và rửa mâm.
Anh Huỳnh Long Ẩn (ngụ xã Tân Phú Đông, Sa Đéc) cho biết: “Cứ cách một ngày, tôi phải vào viện chạy thận. Lúc trước, mỗi lần chạy thận ra bị đói mà con đi làm chưa vô kịp, tôi gắng gượng đi mua bánh mì. Giờ có cơm dinh dưỡng phát tận nơi, tôi thấy quý giá vô cùng. Cám ơn mọi người nhiều lắm!”