Bù Đăng (Bình Phước): Khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch sinh thái

Chiều 8-11, UBND huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước đã tổ chức Hội nghị Khởi nghiệp du lịch huyện Bù Đăng năm 2024. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng huyện Bù Đăng (14-12-1974 – 14-12-2024) và Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo”.

- 1.jpg
Quang cảnh hội thảo

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Văn Mười, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng cho biết, Bù Đăng là địa bàn có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái. Nơi đây có nhiều sông suối, hồ đập, với quần thể thực vật phong phú, có cảnh quan thiên nhiên đa dạng, có Trảng Cỏ Bù Lạch và hệ thống Thác nước như: Thác Voi, Thác Đứng, Thác Patoong.

- 2.JPG
Ông Vũ Văn Mười, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng phát biểu tại hội nghị

Bên cạnh đó, có 34 dân tộc anh em sinh sống, đặc biệt có cộng đồng người S’tiêng, M’Nông sinh sống lâu đời, trải qua nhiều thế hệ đã hình thành những giá trị văn hóa truyền thống vô cùng đặc sắc như: cồng chiêng, thổ cẩm, ẩm thực và các lễ hội dân gian, nhất là truyền thống yêu nước.

- 3.JPG
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH tổ chức sự kiện truyền thông du lịch Newstar Media (tỉnh Bình Dương)

Đến nay, Bù Đăng có đến 4 di sản gồm: Tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’tiêng; Lễ hội cầu bông của người Kinh; Nghề dệt thổ cẩm của người Mơ Nông; Nghề đan gùi và Nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng. Ngoài ra, Bù Đăng còn là nơi duy trì nghệ thuật đánh cồng chiêng, đã được UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2008.

- 5.JPG
Một góc Khu bảo tồn Văn hoá dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo

Ngoài ra, Bù Đăng có 2 sản phẩm đạt kỷ lục quốc gia, đó là Bộ đàn đá kỷ lục Việt Nam nặng 20 tấn; bộ cồng chiêng lớn nhất Việt Nam gồm 6 chiêng, 5 cồng có đường kính 2,15m, nặng 600kg.

- 7.JPG
Du khách tham quan Trảng cỏ Bù Lạch

Trình bày tham luận tại hội nghị, ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH tổ chức sự kiện truyền thông du lịch Newstar Media (tỉnh Bình Dương) cho biết, Bù Đăng có sóc Bom Bo và Khu bảo tồn Văn hoá dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo với diện tích hơn 113ha (đi vào hoạt động từ 2015) đã trở thành nơi lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc S’tiêng. Dựa trên những tài nguyên và điều kiện thuận lợi vốn có này của Bù Đăng, công ty đã xây dựng tour du lịch kết nối Bù Đăng với chủ đề “Vang mãi tiếng chày trên Sóc Bom Bo”.

hkkk.JPG
Sản phẩm thổ cẩm của đồng bào S'tiêng được bày bán tại Khu bảo tồn Văn hoá dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo

Ông Nguyễn Đức Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Việt Phước (tỉnh Bình Phước) nhận định, Bù Đăng là nơi hội tụ sinh sống của 34 dân tộc anh em, có những nét văn hóa đặc sắc riêng, góp phần hình thành các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Do đó, địa phương cần nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa gắn bảo tồn và phát huy đa dạng, phong phú về các giá trị văn hóa, đặc biệt là văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số hướng các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, homestay gắn với các trải nghiệm cùng sinh hoạt với cộng đồng người M’nông và S’tiêng.

Tin cùng chuyên mục