Theo ý kiến chuyên gia, khối này đang xây dựng ảnh hưởng lớn hơn trong việc cải cách hệ thống kinh tế và tài chính quốc tế cũng như đảm bảo tiếng nói và quyền bỏ phiếu lớn hơn cho các quốc gia đang phát triển tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Sức hấp dẫn tiềm năng của BRICS nằm ở chỗ nó đang trở thành một lực lượng cân bằng trong các vấn đề thế giới.
Cũng theo một chuyên gia cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, BRICS có thể phát triển để trở thành đối trọng với G7 trong các vấn đề thế giới, dẫn tới tác động sâu sắc đến quan hệ quốc tế. Hiện tại, tổ chức này tiếp tục xây dựng ảnh hưởng lớn hơn trên toàn cầu.
Ông Carlos Maria Correa, Giám đốc điều hành của tổ chức South Centre có trụ sở ở Geneva, cho biết, Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15, được tổ chức tại Nam Phi từ ngày 22 đến 24-8, được kỳ vọng sẽ làm cho hệ thống quản trị toàn cầu trở nên công bằng hơn.
Chương trình nghị sự của hội nghị sẽ ưu tiên những nội dung về việc giảm phụ thuộc vào đồng USD và mở rộng khối trong tương lai. Lãnh đạo các nước BRICS dự kiến thảo luận việc kết nạp thêm thành viên, bao gồm cả các tiêu chí lựa chọn và hướng dẫn. Hiện có hơn 20 quốc gia chính thức đề nghị tham gia BRICS.
Ông Correa nhận định thêm: “Tôi có hy vọng BRICS sẽ xem xét việc kết hợp với các nước khác. Điều này rất quan trọng vì nó mang lại sức nặng mới cho nhóm. Dĩ nhiên, các nền kinh tế lớn, như Trung Quốc, Ấn Độ hay Brazil vẫn có vị thế của mình, nhưng nếu kết hợp được cả các nước khác, khía cạnh chính trị của BRICS sẽ được cải thiện nhiều”.