Ông Nguyễn Văn Dũng (55 tuổi, tổ trưởng tổ 4, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM) không ít lần ngao ngán trước tình trạng kênh, rạch trên địa bàn bị ô nhiễm trầm trọng.
Nhiều con rạch bị lấp để phục vụ các công trình xây dựng, số còn lại cũng trong tình trạng đen ngòm, dày đặc rác thải đặc biệt là rác thải sinh hoạt hàng ngày.
Mỗi dịp vào chiến dịch Mùa hè xanh, ông Dũng không chỉ vận động bà con trong xóm mà còn nghỉ vài buổi phụ hồ ở các công trình để cùng các chiến sĩ tình nguyện đi dọn dẹp từng dòng kênh, con rạch.
“Nhắc nhở hay đóng tiền rác mỗi tháng để cơ sở thu gom rác dân lập đến thu trực tiếp thì đỡ hơn chút, chứ đâu thể nào theo sát được”, ông Phước Sang (thợ hồ, ngụ ấp 4, xã Đa Phước) cho hay.
“Bữa nào tổ chức sinh hoạt hay tổ chức trò chơi với mấy em nhỏ trong xóm, tụi em cũng nhắc nhở chuyện không xả rác bừa bãi, rồi thưởng kẹo bánh cho bé nào biết giữ vệ sinh chung, nhặt rác sau khi vui chơi để mấy bé ý thức hơn trong việc giữ vệ sinh môi trường xung quanh”, Phạm Minh Thi (sinh viên Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn) chia sẻ.
Điều cần thiết đối với những bạn trẻ tình nguyện và cả tổ chức đoàn - hội chính là những hoạt động dài hơi để giữ gìn môi trường thành phố.
Thiện Nguyễn, cựu sinh viên ĐH Kinh tế TPHCM, nói: “Hãy nghĩ chuyện dài hơi hơn. Sau vớt rác, sau tuyên truyền, phải là gì?
Đó là những công trình cải tạo các dòng kênh trong phạm vi hẹp bằng những sáng chế sinh viên; là việc ký kết với địa phương mà ở đây là đoàn viên thanh niên ngay tại địa phương đó để giữ gìn dòng kênh hậu cải tạo; là cách chuyển giao công nghệ xử lý môi trường cho người trẻ ở địa phương”.
Nguyễn Ngọc Anh, cựu SV ĐH KHXH-NV cho rằng, đã đến lúc người trẻ bớt nói (tuyên truyền) mà phải chuyển qua làm (hành động) bằng những hành động đúng sức.
Bạn chia sẻ: “Với chuyên môn mình đang học, hãy có những sáng kiến, phần việc cải tạo môi trường mình đang sống bằng khoa học kỹ thuật; không thể cứ bảo vệ bằng cách vớt rác hay phát tờ rơi tuyên truyền. Làm tình nguyện kiểu đó đã quá cũ kỹ”.