Câu chuyện về “Hội chứng nhà hàng Trung Quốc”
Vào năm 1968, một bác sĩ tên là Ho Man Kwok cho biết, khi ăn tại một nhà hàng Trung Quốc, ông gặp phải hiện tượng như tê bì, mệt mỏi, cơ thể hồi hộp…, và bột ngọt bị coi là “thủ phạm” gây ra hội chứng “nhà hàng Trung Quốc”.
Qua nhiều nghiên cứu với nhiều kết luận rất khác nhau, dựa trên các khuyến nghị của Cục Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA), năm 2000, nghiên cứu của Geha được công bố và được đánh giá là nghiên cứu hoàn thiện nhất tới thời điểm này. Nghiên cứu kết luận bột ngọt không phải là nguyên nhân gây ra hội chứng nói trên.
Do những triệu chứng được bác sĩ Kwok mô tả khá giống với phản ứng dị ứng, một câu hỏi được đặt ra là “bột ngọt có gây dị ứng hay không”? Trong danh mục những thực phẩm có thể gây dị ứng của Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế (CODEX) thì bột ngọt không có mặt. Danh mục này chỉ bao gồm những thực phẩm như động vật giáp xác (tôm, cua), ngũ cốc chứa gluten (bột mì, yến mạch…), trứng và sản phẩm từ trứng, cá và sản phẩm từ cá, sữa và sản phẩm từ sữa, lạc, đậu nành…
Bột ngọt và tính an toàn
Nhiều tổ chức y tế và sức khỏe uy tín trên thế giới cũng kết luận, bột ngọt là an toàn với liều dùng hàng ngày không bị giới hạn (theo GMP – Thực hành sản xuất tốt).
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã xếp bột ngọt nằm trong danh mục các chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm. Cũng cần nói thêm, “bột ngọt” tồn tại một cách tự nhiên trong thực phẩm mà chúng ta ăn hàng ngày. Trong tất cả thực phẩm giàu protein như thịt, cá, đậu tương, trứng… đều có “ẩn” một lượng “bột ngọt” khá lớn, đó là axit glutamic/glutamate (thành phần chính của bột ngọt). Cơ thể người không phân biệt glutamate từ thực phẩm tự nhiên hay từ bột ngọt và glutamate trong bột ngọt không phải là thành phần xa lạ với cơ thể con người.