Không chỉ kết quả, mà màn trình diễn của các cầu thủ trẻ cũng thấp hơn kỳ vọng. Điều đó dấy lên những lo ngại về tham vọng đoạt vé dự vòng chung kết World Cup của bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Troussier.
Trên thực tế, kết quả của U23 Việt Nam ở Doha Cup không hoàn toàn bất ngờ. Ngược lại, nó phản ảnh chính xác những gì mà bóng đá Việt Nam đang có hiện nay, nhất là ở lứa cầu thủ tuyến kế cận sau thời HLV Park Hang-seo. Đầu tiên là kinh nghiệm thi đấu rất yếu do nhiều cầu thủ dù đã 21-22 tuổi nhưng hầu như không được ra sân ở V-League. Kế đến là chất lượng của từng cá nhân không tốt hơn những đàn anh. HLV Park Hang-seo đã khá may mắn khi có được sự phục vụ của những cầu thủ thuộc khóa 1 học viện HA.GL - Arsenal cùng nhóm cầu thủ từng dự U20 World Cup. Đây đều là những tinh hoa bậc nhất, đến từ giai đoạn đầu tiên của hệ thống đào tạo chuyên nghiệp nở rộ trong khoảng thời gian 2008-2010. Đó là những gì tốt nhất, được chắt lọc từ khoảng thời gian phát triển thịnh vượng của V-League, lúc mà các doanh nghiệp đầu tư không tiếc cho bóng đá.
HLV Troussier trao đổi cùng các cầu thủ U23 Việt Nam trên sân tập |
Bằng cảm quan thông thường, cũng thấy trong tay HLV Troussier không có những cầu thủ với tầm ảnh hưởng chuyên môn như Nguyễn Quang Hải, hoặc truyền cảm hứng lớn như Nguyễn Công Phượng. Tập thể mà HLV Troussier có chất lượng không tồi, nhưng cũng không đặc biệt xuất sắc. Để truyền đạt triết lý bóng đá đề cao việc kiểm soát bóng, HLV Troussier còn phải hướng dẫn một số kỹ thuật cơ bản cho các cầu thủ. Chất lượng con người không cao, thì kết quả thi đấu khó như ý. Điều này nằm ngoài khả năng điều chỉnh của HLV Troussier, bởi nó thuộc về khâu đào tạo của bóng đá Việt Nam hay thậm chí là yếu tố thời điểm mang tính may mắn để sản sinh ra những tài năng bóng đá.
Công bằng mà nói, thất bại của U23 Việt Nam vừa qua mang nhiều yếu tố khách quan hơn là vấn đề liên quan đến chiến thuật hay triết lý bóng đá của HLV Troussier. Vì thế, cần giảm bớt kỳ vọng để tránh tạo áp lực nhiều hơn lên nhà cầm quân người Pháp này. Với chất lượng con người như vậy, chưa nói đến chuyện dự World Cup, để cân bằng thành tích mà HLV Park Hang-seo đạt được đã là một nhiệm vụ khổng lồ với ông Troussier. Mọi sự thay đổi đều cần thêm thời gian, và đó là điều mà HLV Troussier cũng như chính bóng đá Việt Nam đang thiếu ở thời điểm này.
Đơn cử như việc làm sao để các cầu thủ trẻ có thêm trận đấu trong màu áo CLB? Làm sao để số lượng trận đấu trong một năm của cầu thủ đang ở mức gần như tối thiểu dưới 30 trận hiện nay lên mức 40-50 trận theo tiêu chuẩn chung của thế giới? Không đạt được con số này, thì khâu đào tạo sẽ bị “tắc” do cầu thủ thiếu sân chơi, hiệu quả đào tạo sẽ giảm. Vấn đề là để tăng số lượng trận đấu thì cần phải tổ chức thêm nhiều giải đấu, nghĩa là phải có thêm nguồn tài chính và những đóng góp mạnh mẽ hơn từ các doanh nghiệp cũng như sự năng động hơn từ giới quản lý.
Tham vọng đoạt vé dự vòng chung kết World Cup là điều tuyệt vời nhất đối với bóng đá Việt Nam, nhưng điều đó không thể đến sớm nếu chúng ta vẫn chỉ có những hành động như cũ, trong khi kỳ vọng thì ngày một tăng lên. Bài học từ Indonesia đang nóng hổi. Cho dù có “đi tắt” bằng việc bỏ tiền ra để đăng cai U20 World Cup thì cuối cùng, sự hỗn loạn của hệ thống bóng đá nội địa đã khiến cho Indonesia không đáp ứng được các tiêu chuẩn chung của bóng đá thế giới. Thành thử, giấc mơ World Cup của họ trở nên xa vời khi mà quyền đăng cai bị FIFA tước bỏ. Cho nên, bài học rút ra là phải xây dựng được nội lực cho nền bóng đá vững chắc trước khi đặt hy vọng vào HLV hay sự may mắn của thời cuộc.