Theo Điều 281 Bộ luật Hình sự, khi đường hư hỏng, cơ quan quản lý không rào chắn, không cảnh báo nguời tham gia giao thông, dẫn đến hậu quả chết người, là có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông. Song khi hậu quả chết người xảy ra, vi phạm đã rõ, quy định có sẵn nhưng hiếm thấy tổ chức hay cá nhân nào có liên quan bị xử lý.
Chất lượng ban đầu đã không tốt, sử dụng vật liệu kém, thi công ẩu thì đương nhiên đường sẽ mau hỏng. Việc sửa chữa khắc phục nhiều khi mang tính chắp vá, đối phó, chỉ để kéo dài đến khi hết thời gian bảo hành công trình, vừa tốn kém vừa mất an toàn giao thông.
“Ổ gà”, “ổ voi”, hàng loạt những cái hố lớn nhỏ khác đã và đang được lấp trên các tuyến đường đòi hỏi cao về kỹ thuật chất lượng như quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Phú Yên, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Thanh Hóa - Hà Tĩnh…, nhưng sự lo sợ và bất bình, bức xúc, khiến người dân mất niềm tin thì vẫn còn đó. Điều này liệu có cách gì lấp được? Khi đường vừa làm xong đã “sửa - hỏng - sửa”, thì làm sao người dân có thể tin vào trình độ kỹ thuật, lương tâm, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về công trình giao thông và các đơn vị chủ đầu tư, thiết kế, giám sát, thi công.
Trong đầu tư xây dựng, chất lượng công trình phải đặt lên hàng đầu. Công tác quản lý phải xuyên suốt và có tính hệ thống, ngăn chặn vi phạm, không thể trông đợi ở sự tự giác của các chủ thể. Về quản lý nhà nước, cần có biện pháp kiểm soát chặt sự tuân thủ pháp luật và chất lượng, khối lượng, tiến độ, vật liệu đầu vào, trình tự thi công, giá trị công trình giao thông. Cùng với việc nâng cao trách nhiệm chủ đầu tư, ban quản lý dự án, phải xây dựng quy định chế tài mạnh tay với các sai phạm.
Trong đấu thầu, ưu tiên các đơn vị không có vi phạm về chất lượng ở các dự án đã tham gia trước đây. Xử lý nghiêm vi phạm ảnh hưởng chất lượng công trình, với cá nhân có thể cấm hành nghề, với tổ chức thì không cho thực hiện dự án tiếp theo. Khởi tố, buộc bồi thường đối với các sai phạm dẫn đến chết người. Quốc lộ, cao tốc đưa vào sử dụng buộc lắp đặt bảng thông tin tên, địa chỉ, điện thoại cá nhân và đơn vị quản lý, để người đi đường kịp phản ánh trực tiếp những bất cập, hư hỏng.
Việc bảo hành công trình tương ứng từng dự án có quy mô lớn như cao tốc, quốc lộ có thể kéo dài thời gian và trách nhiệm nhà thầu lên đến chục năm. Bất kể nhà thầu nào cố tình hoặc sơ suất thi công không đảm bảo chất lượng, gây hư hỏng, sẽ phải tự chịu toàn bộ kinh phí sửa chữa, kể cả ngoài thời gian bảo hành, không dùng nguồn vốn ngân sách. Như vậy sẽ góp phần hạn chế nạn thi công ẩu, sử dụng vật liệu hay nhựa đường chất lượng kém, công trình mới đưa vào sử dụng đã hỏng.
Đối với các dự án giao thông mới đưa vào sử dụng đã hư hỏng, cần khắc phục triệt để, đảm bảo an toàn, vì tính mạng con người là trên hết. Hãy lập tổ chuyên ngành độc lập kiểm tra toàn diện, bóc bỏ hết lớp nhựa mặt đường không đạt để thảm lại, lu lèn đạt độ chặt theo thiết kế, thực hiện đúng quy trình thi công. Đừng xử lý chắp vá làm mất mỹ quan, mất an toàn giao thông, lặp lại điệp khúc đường làm xong lại “sửa - hỏng - sửa”.