Với những người lớn lên nơi miệt vườn sông nước, thuở lên ba đã thấy đám lục bình lững lờ theo con nước lớn ròng, rồi bạ đâu ghé đó, bờ bến nào cũng có thể là “trạm dừng chân”.
Có lẽ vì chữ “lục” trong cái tên, mà đám lục bình thân xanh lá cũng xanh, chỉ có đám bông mang màu tím. Người ta nói về lục bình với những ẩn dụ buồn nhiều hơn vui, bởi đám hoa từ đâu không biết cứ vô định theo con nước như một kiếp “bèo dạt hoa trôi”. Người rày đây mai đó hay câu chuyện tình buồn, người ta thường ẩn dụ với cánh lục bình… Để rồi đám hoa chẳng “lá ngọc cành vàng” mang thêm tủi phận.
Miền Tây Nam bộ mênh mông sông nước, sông cái, sông lớn, những con rạch nhỏ, nơi nào cũng có lục bình. Mật độ lục bình càng nhiều thì dòng nước càng bớt ô nhiễm, bởi loài cây này có khả năng hút kim loại nặng và một số chất độc trong nước.
Đám lục bình “bèo dạt hoa trôi” nhưng cũng không đến nỗi vô tích sự. Qua sự khéo léo của các mẹ, các dì, lục bình trở thành “đặc sản” sáng giá trong bữa cơm quê nhà. Ngó lục bình - những cây lục bình xanh non tơ, trộn gỏi đủ vị chua ngọt, chút cay cay đậm đà đủ đưa cơm. Muốn đơn giản hơn thì đem xào, nấu canh chua…
Đám bông tím lục bình cũng được tận dụng trong món gỏi miệt vườn cùng bông điên điển, dĩa gỏi quê nhà đủ vị, đủ sắc để người ta hoài chút dư vị dân dã. Để hôm nay, những nhà hàng sang trọng nơi thị thành, món ăn có lục bình như “đặc sản” xếp ở vị trí đầu trong danh sách thực đơn.
Nhiều năm xa quê, những người quen của gia đình tôi định cư ở nước ngoài vài chục năm, trong mỗi lần kết nối vẫn nhắc bông lục bình như một sắc tím ở mãi trong ký ức người xa xứ. Có những câu chuyện tình nơi thôn dã đơn sơ, mà ngày ấy người ước hẹn hay tặng nhau cũng chỉ một sắc tím lục bình. Một rổ bông lục bình đủ tình mà cũng trọn vị, học theo má nên chị hai, chị ba trong nhà làm món gì cũng giỏi. Có sẵn rổ bông lục bình thì bữa cơm chiều thêm sắc, thêm vị, để tía má có khen thì thẹn thùng giải thích: “Anh Hai, anh Út bên nhà gửi cho”. Tía cười khà khà, còn má ngó bộ gật đầu ưng thuận, thì thằng rể tương lai coi như ghi điểm.
Theo nhịp sống, lục bình cũng được tận dụng nhiều hơn. Sản phẩm thủ công làm từ thân lục bình trở thành lựa chọn nhiều ưu ái khi lối sống xanh dần trở thành thói quen trong đời sống hàng ngày. Thân lục bình mềm và xốp, sau khi được xử lý càng dẻo hơn, được đan thành các sản phẩm thủ công như giỏ lục bình, túi xách lục bình, thùng đựng đồ…; cho đến các sản phẩm cao cấp hơn, tinh xảo hơn, đòi hỏi nhiều công sức hơn như: thảm treo tường, giá gương, bộ bàn ghế…
Con nước lớn rồi lại ròng, lục bình cứ thế mà trọn hành trình “bèo dạt hoa trôi”. Dẫu hôm nay người ta có đủ cách chế biến và tận dụng lục bình làm thành món ngon, sản phẩm thủ công… thì loài cây này, vốn dĩ thuộc về con nước nổi trôi. Để rồi trong những nỗi nhớ về miệt vườn sông nước, con sông, con rạch trước nhà, sắc tím bông lục bình đã trở thành một phần trong ký ức tuổi thơ. Để mỗi bận trưởng thành, người ta nhớ đám lục bình rồi tự dặn mình cố gắng nhiều hơn, không như đám lục bình rày đây mai đó như lời của bà, của má vẫn hay ví von…