Cứ tầm từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm là mùa bông súng nở rộ. Trên những cánh đồng hay những mặt ao đầy nước, bông súng thỏa sức khoe những đóa hoa đẹp ngất ngây như vẻ đẹp hoang sơ của thôn nữ miệt vườn.
Với 2 màu sắc chủ đạo, bông súng ta tím đỏ và bông súng dại trắng, đủ “hớp hồn” khách từ phương xa đến miền Tây mùa nước nổi, thay cho những nồng nàn hương thơm ở những loài hoa khác. Riêng bông súng dại màu trắng, ở miệt này hay gọi là bông súng ma, bởi chúng chỉ nở vào ban đêm.
Với những nghệ sĩ nhiếp ảnh, mùa bông súng cũng nằm trong gam màu hứng khởi cho sáng tạo. Bông súng ở bất kỳ địa phương nào trong cả nước đều có, chỗ ít chỗ nhiều, nhưng ở miền Tây bông súng tập trung nhiều nhất ở vùng trũng An Giang, Đồng Tháp, hay Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bạc Liêu…
Bông súng sống tự nhiên, không cần trồng cũng như tốn công chăm sóc. Khi mùa nước rút, rễ của bông súng vùi sâu vào bùn, đến khi nước đầy, nước lên tới đâu thì cọng bông súng xòe lá lên tới đó, từng bông e ấp vươn khỏi mặt nước, khoe sắc nõn của mình. Cứ mùa nước lũ về càng cao thì cọng bông súng càng dài, có khi dài đến mấy mét.
Mùa bông súng cũng là mùa mà người dân sống đời sống lam lũ và cơ cực ở miền Tây này có thêm thu nhập. Dù “cái bông” trên đầu mỗi cọng bông súng không ăn được, nhưng chính cái cọng có bông đó mới được thu hoạch. Sau khi bông súng được nhổ lên khỏi mặt nước, cứ tầm 10 cọng hoặc hơn, được bó cuộn tròn lại và “chất” hết lên xuồng.
Công đoạn nhổ bông súng, cuộn lại và chất lên xuồng xong mới là lúc chúng ta có thể thấy vẻ đẹp riêng có của nó. Nhiều xuồng cùng “hội” lại bên nhau, với nhiều màu sắc khác nhau. Trong tiếng nói, giọng cười của người sống bằng nghề nhổ, bán bông súng, ánh lên hy vọng khi nhìn lại thành quả lao động sau một buổi hoặc một ngày miệt mài trên những cánh đồng nước. Thành quả ấy sắp được “quy đổi” thành tiền để tiếp tục công cuộc mưu sinh! Thương làm sao những người sống bằng nghề nhổ bông súng, cái nghề cơ cực, suốt ngày phải trầm mình dưới nước…
Nhắc đến bông súng ở miền Tây mùa nước nổi mà không đề cập đến ẩm thực đi kèm sẽ là một thiếu sót rất lớn. Đặc trưng tiêu biểu nhất là bông súng chấm mắm kho, hay nhúng lẩu mắm. Tuy nhiên, với sự linh hoạt, dễ thích nghi của người dân miệt đồng nước lũ, một trang ẩm thực đã thống kê, có đến hơn 20 món ngon được chế biến với sự góp mặt của bông súng như tôm (hoặc tép) nấu canh chua (lẩu chua) bông súng; bông súng bóp xổi; gỏi bông súng; bông súng xào…
Cũng theo dân “sành ăn” ở miệt này, bông súng dại trắng thường mềm hơn giống bông súng Đà Lạt. Riêng ở Trà Vinh, khi ăn bún mắm, bông súng được xắt lát nhỏ, khoanh tròn, mỗi lát bé xíu cỡ nửa đồng tiền xu, làm cho người thưởng thức cảm thấy có một trải nghiệm thú vị rất khác, chỉ riêng có với bông súng…
Mùa này, những cánh đồng miền Tây đang đầm đìa nước, cũng là lúc những cọng bông súng xòe lá và bắt đầu khoe sắc tím đỏ và trắng dại của mình… Còn chần chừ gì nữa, hãy vác máy lên đường để lưu giữ những hình ảnh đẹp nhất của mùa bông súng đang nở giữa miền Tây mênh mông nước lũ. Cũng không cần quá cầu kỳ, chỉ bông súng chấm mắm kho với cá linh non rất đặc trưng của miệt này cũng đủ níu chân, làm chùng lòng lữ khách.