1. Tôi đoán chắc anh nhớ nhà nhiều lắm, trang cá nhân của anh trên mạng xã hội chỉ có hình ảnh gia đình và rất nhiều video về đứa con trai đang tuổi tập nói được vợ anh chia sẻ.
Sáng nay, anh và đồng nghiệp cùng nhau cài hoa hồng lên áo và bước vào ca trực. Một mùa Vu lan không thể bên cạnh gia đình, vì nhiệm vụ chống dịch cấp bách. Trên trang cá nhân, anh viết: “Kính chúc cha mẹ không chỉ ngày lễ Vu lan mà tất cả 365 ngày đều vui vẻ, hạnh phúc! Để cho con luôn được nhìn thấy nụ cười, ánh mắt, cho con được cảm nhận tình yêu thương của cha mẹ suốt cuộc đời… Và nhiều hơn thế nữa”.
Từ khi nhận quyết định điều động tham gia chống dịch, gia đình chỉ chờ điện thoại và tin nhắn từ anh, chứ hạn chế gọi, để anh và đồng đội yên tâm làm nhiệm vụ chuyên môn. Những cuộc gọi với tôi thật khuya, anh kể: “Bữa nay, anh ăn chiều lúc 11 giờ tối”.
Đồng nghiệp của anh là y bác sĩ từ các bệnh viện trong thành phố và khắp cả nước chi viện về TPHCM: Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Phú Thọ, Bệnh viện Hải Phòng, Bệnh viện E, Bệnh viện K, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện 71, Bệnh viện Thanh Hóa... Có những ngày, ca trực của mọi người thực sự vất vả, họ là những chiến binh blouse trắng chiến đấu vì bệnh nhân.
“Phòng bệnh gồm 3 dãy, hôm nay phủ đầy giường bệnh là 50 bệnh nhân nặng, đa số là thở máy xâm lấn, một số ít thở NIV, thở HFNC, 1 - 2 ca thở mask không thở lại. Bệnh nặng dùng thuốc nhiều, bơm tiêm điện liên tục báo sắp hết, là mọi người phải pha thuốc chuẩn bị sẵn trước để kịp thời thay thế liền, máy báo người bệnh oxy thấp, báo liên tục (mắc Covid-19 nên phổi người bệnh bị tổn thương rất nhanh, lại bệnh hồi sức nguy kịch, oxy luôn rất thấp, rất khó để kéo oxy lên cao - PV), máy thở, máy monitor báo động inh ỏi. Ngoài ra 4 máy lọc máu liên tục, theo dõi 4 máy nếu ổn không sao, không ổn thì thôi rồi. Hôm nay thật sự không ổn chút nào, 2 máy báo lỗi liên tục, sửa xong máy này thì tới máy kia… Bệnh nặng, bệnh trở liên tục, bệnh cấp cứu liên tục, chụp X-quang tràn khí cần dẫn lưu gấp, soạn dụng cụ bộ dẫn lưu 3 bình... Cứ thế cả kíp trực làm suốt cho tới 21 giờ 30 phút, mệt mỏi rã rời, vừa đói, vừa mắc đi vệ sinh nhưng mọi người ráng nhịn cho tới giờ giao ca. Người cuối cùng đi ra và tắm xong cũng 22 giờ 15 phút rồi”, anh họ tôi - điều dưỡng Võ Hiền Trọng Hiếu (Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện 115, đang làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 Thủ Đức) kể.
2. Những cuộc kết nối với anh lúc nửa đêm hoặc muộn hơn, có lúc anh phải dừng lại vì có điều gì đó nghèn nghẹn. Anh nằm trong đội ngũ y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhưng nơi anh làm việc là tầng điều trị cao nhất, là tuyến cuối của bệnh nhân mắc Covid-19. “Anh ước gì hết cơn mưa chiều nay thì thành phố mình hết dịch. Thương bệnh nhân quá!”, anh xúc động.
Nơi tuyến đầu ấy, chắc chắn không chỉ có anh họ tôi rơi nước mắt, mà rất nhiều các y bác sĩ khác cũng nghẹn ngào khi mà mọi phương cách cứu nhưng một số bệnh nhân đã không thắng nổi con virus tai quái. Bệnh viện điều trị Covid-19 tuyến huyện, điều dưỡng tên V. (27 tuổi, anh xin phép giấu tên) đã chăm sóc cho người thân của gia đình tôi trong quá trình điều trị Covid-19 tại đây, cũng xúc động: “Có cực mấy thì đó cũng là công việc, là nhiệm vụ và trách nhiệm của đội ngũ y bác sĩ, chỉ thấy thương cho những bệnh nhân không thể vượt qua được vào thời điểm này thôi”.
Cuộc gọi dừng lại trong tiếng nghẹn ngào, tôi đoán đầu dây bên kia, anh đang khóc…
Trong vali hành lý mà người thân của tôi xuất viện sau khi điều trị khỏi Covid-19, có một phần quà đặc biệt. Đó là 2 túi bánh và sữa được gói cẩn thận, kèm mảnh giấy: “Tập thể y bác sĩ Bệnh viện Huyện Bình Chánh gửi lời chúc đến quý bệnh nhân mau khỏe, sớm về với gia đình”. Phần quà nhỏ nhưng nhiều ý nghĩa, trong những khó khăn ở tuyến đầu thì chút tình cảm đó khiến chúng tôi thực sự cảm động. |