Lúng túng vì thiếu dữ liệu
Khi trường học của con yêu cầu cung cấp mã số định danh cá nhân (viết tắt là MSĐD) để nhập dữ liệu phục vụ tiêm vaccine phòng Covid-19, chị Trần Thị Nga (ngụ quận 4, TPHCM) liên hệ Công an phường 8 (quận 4, TPHCM) nơi tạm trú nhờ trợ giúp. Sau khi tra trên hệ thống cơ sở dữ liệu, công an cho biết không có thông tin.
“Công an phường 8 giải thích, có thể do gia đình tôi đi làm ăn xa, nhiều năm không về quê nên bị xóa hộ khẩu và hướng dẫn tôi liên hệ về quê để nhờ hỗ trợ”, chị Nga cho biết.
Trường hợp của ông Nguyễn Hoàng Anh (ngụ quận 4) éo le không kém. Giữa tháng 11 vừa qua, sổ tạm trú của gia đình hết hạn, ông liên hệ công an phường thì được báo không thể gia hạn do trên hệ thống dữ liệu quốc gia không có thông tin. Công an hỗ trợ nhập dữ liệu từ sổ hộ khẩu giấy của gia đình ông, nhưng hệ thống thông báo không thấy số hộ khẩu “điện tử”.
“Nhà cửa, đất đai, hộ khẩu của gia đình tôi vẫn ở quê. Nhà vẫn đang cho người bà con ở nhờ. Vậy mà tự dưng gia đình tôi 6 nhân khẩu giờ bị “xóa” hộ khẩu. Con tôi sắp tới tuổi làm CCCD, tôi cũng cần chuyển chứng minh nhân dân 9 số qua CCCD gắn chip. Giờ hộ khẩu giấy không xài được, hộ khẩu “điện tử” không có, tạm trú thì hết hạn, vậy các loại giấy tờ của chúng tôi phải giải quyết thế nào?”, ông Anh bối rối.
Câu chuyện của bà Nga, ông Anh là vấn đề nhiều người dân xa quê đang ở TPHCM gặp phải. Hiện nay, TPHCM đang đề nghị người dân làm CCCD, mà một yêu cầu cụ thể là phải có MSĐD. Thế nhưng, nhiều người lúng túng vì thông tin không có trên hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trao đổi về vấn đề này, Công an quận Tân Phú cho biết, quận đã thu nhận hồ sơ hơn 135.000 trường hợp (trong đó hơn 25.000 trường hợp tạm trú) làm hồ sơ CCCD. Không ít trường hợp tạm trú chưa có thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú hoặc thông tin chưa chính xác.
“Nhiều người tạm trú đi làm CCCD mới biết rằng họ không còn hộ khẩu ở nơi thường trú do nhiều năm đi làm ăn xa, hồ sơ tại nơi thường trú không còn hoặc thông tin nhập sai trên hệ thống cơ sở dữ liệu về cư trú”, đại diện Công an quận Tân Phú nói; đồng thời cho biết, theo quy định, thông tin trên cơ sở dữ liệu về cư trú và căn cước phải trùng khớp nhau mới cấp được CCCD.
Phối hợp gỡ khó cho người dân
Theo Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06), Công an TPHCM, trường hợp xóa đăng ký thường trú, tạm trú đã được quy định trong Luật Cư trú năm 2020. Cụ thể, người dân vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng thì sẽ bị xóa thường trú. Ngoài ra, người đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng sau 12 tháng kể từ ngày chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới… cũng bị xóa đăng ký thường trú.
Do vậy, để tránh bị xóa đăng ký thường trú, người dân phải đến công an phường, xã, thị trấn tại nơi sinh sống mới để đăng ký cư trú theo đúng quy định. “Các trường hợp vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên, người dân nhanh chóng liên hệ công an phường, xã, thị trấn nơi đang cư trú để đăng ký tạm trú hoặc liên hệ công an phường, xã, thị trấn nơi đăng ký thường trú khai báo tạm vắng để không bị xóa đăng ký thường trú”, lãnh đạo PC06 hướng dẫn.
Thông tin chi tiết hơn về thủ tục, hướng dẫn người dân trong các trường hợp trên, lãnh đạo Công an quận Bình Tân cho biết, khi người dân đến làm CCCD, nếu thông tin trên hệ thống cơ sở dữ liệu chưa chính xác hoặc chưa có dữ liệu điện tử, người dân có thể liên hệ trực tiếp tại nơi thường trú để yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung thông tin.
Nếu người dân không có điều kiện về nơi thường trú, công an tại nơi tạm trú sẽ hỗ trợ người dân. Người dân cũng có thể nhờ người nhà ở quê đến công an phường, xã, thị trấn để chỉnh sửa, bổ sung thông tin lên hệ thống.
“Chúng tôi sẽ trao đổi với công an địa phương nơi công dân thường trú để kiểm tra, bổ sung, điều chỉnh thông tin lên hệ thống. Khi có thông tin đầy đủ trên hệ thống thì người dân làm CCCD hoặc lấy MSĐD tại nơi tạm trú”, lãnh đạo Công an quận Bình Tân cho biết.
Luật sư Đặng Hoài Vũ (Đoàn Luật sư TPHCM) giải thích, theo Luật Cư trú 2020, có thể hiểu sổ “hộ khẩu điện tử” là tổng hợp các thông tin của công dân tại cùng một nơi đăng ký thường trú, có chung một chủ hộ được lưu trữ trên hệ thống cơ sở dữ liệu về cư trú. Để có được sổ “hộ khẩu điện tử”, cá nhân đã đăng ký thường trú, đã đăng ký khai sinh chưa có MSĐD vẫn phải đăng ký thủ tục cấp, đổi hoặc cấp lại thẻ CCCD để được cập nhật vào cơ sở dữ liệu về CCCD, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và từ đó được chia sẻ qua cơ sở dữ liệu về cư trú. |