Cùng với việc bán được bản quyền truyền hình, có thể nói V-League đã có bước nhảy vọt về yếu tố chuyên nghiệp, vốn là mục tiêu lớn nhất kể từ khi giải đấu này ra đời năm 2022.
Thế nhưng, mới đây, những hình ảnh của bóng đá Việt Nam lại trở nên xấu xí sau pha dùng tay cản bóng của hậu vệ đội Nam Định, sau đó là hành động ném trống, đốt áo của các cổ động viên (CĐV) để phản đối trận thua trước đội CAHN. Chưa bàn thêm về bản chất của vấn đề, nhưng từ pha chơi bóng bằng tay lộ liễu cho đến các phản ứng của CĐV đều mang tính nghiệp dư rất rõ, khiến cho các nỗ lực của những nhà tổ chức trở thành “đổ sông, đổ biển”.
Trước đây, cứ nói về sự kém chuyên nghiệp của V-League thì nguyên nhân đầu tiên thường đổ hết cho nhà tổ chức, trọng tài, xem đó như là nguồn cơn của mọi hành xử kém văn minh của các câu lạc bộ (CLB) hay cầu thủ. Thế nhưng, công bằng mà nói, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng như công ty điều hành V-League là VPF đã cố gắng hết sức trong khả năng của họ. Tăng thu nhập trọng tài, áp dụng việc “phạt nguội” thông qua việc xem lại băng ghi hình, mời trọng tài ngoại thổi các trận cầu quan trọng, và bây giờ là đưa công nghệ VAR về Việt Nam trong điều kiện tài chính eo hẹp…
Tuy nhiên, nỗ lực đó sẽ trở nên vô nghĩa nếu một bộ phận không nhỏ CLB hay cầu thủ không có ý thức chuyên nghiệp. Công nghệ VAR được sinh ra vì cầu thủ quá “giỏi”, quá “chuyên nghiệp” trong việc phạm lỗi mà mắt thường của trọng tài khó xác định, kiểu như việt vị vài milimet chẳng hạn. Nhưng nếu cầu thủ lợi dụng VAR để cố tình phạm lỗi, thì đó lại là chuyện khác.
Bóng đá chuyên nghiệp là một dây chuyền, mà đúng hơn, sự phát triển của cả nền bóng đá cần một dây chuyền hoàn chỉnh được đồng bộ từng mắt xích. Làm sao có thể thu hút người xem truyền hình, nguồn tiền quảng cáo tài trợ nếu như các nhà tổ chức thì cố làm cho mọi thứ chuyên nghiệp, còn CLB, cầu thủ lại không ra sân với tinh thần chiến thắng, màu cờ sắc áo. Hình ảnh xấu tại Nam Định không chỉ là vấn đề nội bộ của CLB này, mà ảnh hưởng lớn đến cả giải đấu. Khi các CĐV địa phương không tin chính đội bóng của mình, thì người hâm mộ làm sao tin trận đấu đó diễn ra tử tế, sòng phẳng? Nhìn rộng hơn, cục diện của giải đấu cũng không còn chuẩn xác, minh bạch. Càng nhiều trận đấu như vậy, thì càng làm cho chất lượng thi đấu V-League xuống cấp; và tất nhiên việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của nhà tổ chức, chất lượng con người cung cấp cho đội tuyển quốc gia.
Hãy nhớ rằng bóng đá Việt Nam đang là nền bóng đá được “gắn nhãn World Cup”. Chúng ta có futsal 2 lần dự giải, có U20 và mới nhất là đội tuyển nữ. Đó đều là những thành phần ít nhiều chịu thua thiệt so với các đội bóng đá ở V-League, nhưng thật tuyệt vời, họ đã làm được những điều mà bóng đá nam chưa biết khi nào chạm đến. Trên cả lý thuyết lẫn thực tế, những cầu thủ của V-League, các CLB chuyên nghiệp phải là những nơi tiên phong, quyết liệt hơn trong việc chuyên nghiệp hóa hoạt động thi đấu, phải biết cách giữ hình ảnh cho bóng đá Việt Nam. Bởi V-League chính là hình mẫu, là nền tảng để tạo ra các tài năng trẻ, là xung lực và mô hình để bóng đá nữ theo đuổi con đường chuyên nghiệp, là cột trụ để cho futsal cộng sinh phát triển.