Bóng đá và cái đẹp

Năm 1973, một nhà báo có tên Messias Sampaio đã sáng lập ra một cuộc thi có tên là Peladão. Đấy là giải bóng đá nghiệp dư lớn nhất thế giới được tổ chức hàng năm nhưng sự đặc biệt của nó đến từ cuộc thi sắc đẹp tổ chức song song với các trận bóng.

Năm 1973, một nhà báo có tên Messias Sampaio đã sáng lập ra một cuộc thi có tên là Peladão. Đấy là giải bóng đá nghiệp dư lớn nhất thế giới được tổ chức hàng năm nhưng sự đặc biệt của nó đến từ cuộc thi sắc đẹp tổ chức song song với các trận bóng.

Năm nay đã 69 tuổi, Sampaio hiện làm nghề luật sư, cho chúng tôi biết lý do vì sao bóng đá lại song hành cùng cái đẹp: “Ở Brazil, bất kỳ công việc kinh doanh nào cũng phải có sự liên hệ với 3 thứ: Bóng đá, phụ nữ đẹp và bia. Thiếu 3 thứ đó, chả còn chút ý nghĩa nào. Người ta nói rằng thất bại của Brazil tại World Cup sẽ khiến bà Tổng thống Rousseff không thể tái đắc cử, nhưng nói như vậy là không hiểu người Brazil. Ở đây, bóng đá chả liên quan gì đến chính trị. Người Brazil có thất vọng đó là vì không còn được thấy bóng đá đẹp”.

Nữ hoàng của sự kiện Peladão.

Nữ hoàng của sự kiện Peladão.

Mỗi năm có khoảng 1.000 đội bóng với chừng 23.000 cầu thủ đến vùng Amazon để dự Peladão. Phân nửa số đó sẽ tiến cử các cô gái đẹp đại diện cho đội mình thi sắc đẹp. Từ lâu, người ta đã không quan tâm đến nghĩa của từ Peladão, dù theo tiếng Bồ Đào Nha nó có nghĩa “phụ nữ khỏa thân”. Peladão bây giờ có ý nghĩa rộng lớn hơn nhiều bởi nó gần như là biểu tượng cuộc sống của người Brazil. Peladão có nghĩa là bóng đá, là những bãi biển cát vàng, nắng nóng và những cô nàng mặc bikini.

Ngay thể thức thi đấu của Peladão cũng thấm đẫm tư tưởng này. Nếu một đội bóng nào đó bị loại nhưng đại diện sắc đẹp của họ được đi tiếp thì đội bóng sẽ nhận “vé vớt”, đá một vòng play-off để có thể tham gia tại vòng cuối cùng của giải đấu kéo dài đến từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm này. Hồi năm 1998, một đội có tên là Arsenal đã từng thắng giải nhờ thể thức đặc biệt này.

Ngày khai mạc, nếu đại diện sắc đẹp không đến, đội bóng cũng ngay lập tức bị loại. Đương kim nữ hoàng sắc đẹp của Peladão - cô Brenda Pontes - hãnh diện cho biết: “Đấy là trách nhiệm to lớn. Tôi đi thi để muốn mình làm nữ hoàng thì đội bóng phải có cùng khao khát chiến thắng. Bóng đá dứt khoát phải đi cùng cái đẹp”.

o0o

Trong cuốn sách nổi tiếng “Bóng đá - cách mà người Brazil đang sống”, tác giả người Anh - Alex Bellos - đã dành nhiều lời khen tặng cuộc thi Peladão. Ở đây, phụ nữ đã đi thi thì không được nâng ngực, không dùng kính áp tròng. Họ buộc phải đáp ứng 2 tiêu chí quan trọng nhất: Phải đi diễu hành trong ngày khai mạc để khán giả xem bóng đá được thưởng lãm, và đặc biệt, nhất định phải là phụ nữ “xịn”.

Những chi tiết này được xem là “đặc tính” của dân Brazil: Cái gì cũng phải chân thực. Tại kỳ giải năm nay, cô công nhân quét đường phố có tên Marcia de Almeida Lobo cũng đăng ký tham gia dù đã 34 tuổi và là bà mẹ của 5 đứa con. Lobo tự hào: “Tôi đến không chỉ để chiến thắng. Từ bé tôi đã mơ đến ngày được tham gia Peladão, được cầm cờ dẫn đầu đội bóng và được mọi người chiêm ngưỡng mình. Cái cảm giác đó thật tự do làm sao”.

Ông Arnaldo Santos, một phát thanh viên năm nay 75 tuổi, từng tham gia công tác tổ chức từ năm 1998 đến nay khẳng định: “Ở Peladão không có sự phân biệt giàu nghèo. Sự tuyệt vời nhất của Peladão chính là sự tự do tốt nhất có thể đến với mọi người trong cuộc sống này”.

Những trận đấu của giải Peladão những năm gần đây không áp dụng luật việt vị, không cần thiết phải ném biên và tiền thu từ thẻ vàng được sung vào công quỹ để mua bóng tặng cho các trẻ em nghèo. Các nhà tài trợ chương trình sẵn sàng nhận cầu thủ chơi tốt nhất vào làm việc tại công ty, tiền gây quỹ tại các trận đấu dùng để xây trường học. Tất cả đều hết sức tự nhiên.

Long Khang (từ Brazil)

Tin cùng chuyên mục