Bóng đá trẻ cần được chăm từ gốc

Hôm qua, đội tuyển U17 Việt Nam đã có trận đấu đầu tiên vòng bảng U17 Asian Cup 2025, giải đấu còn là vòng tuyển chọn các suất dự U17 FIFA World Cup.

Kể từ giải này, châu Á sẽ có đến 8 suất dự World Cup lứa tuổi, đồng nghĩa là chỉ cần vượt qua vòng bảng để vào tứ kết là U17 Việt Nam sẽ có vé dự ngày hội lớn nhất thế giới của bóng đá U17. Cơ hội rộng mở nhưng không có nghĩa là bóng đá Việt Nam sẽ rộng cửa hơn trước.

Tại sân chơi châu Á lần này, U17 Việt Nam nằm trong nhóm thấp nhất về chiều cao (hạng 11/16 đội) và nhẹ nhất về cân nặng (13/16). Trong khu vực Đông Nam Á, chúng ta có chỉ số tốt hơn Indonesia nhưng kém xa so với Thái Lan (thứ 9 về chiều cao và thứ 8 về cân nặng). Với trung bình cao 1,748m và nặng 68,3kg, lứa trẻ của bóng đá Việt Nam hiện nay đã tốt hơn trước rất nhiều nhưng nếu so với Thái Lan hay các đội bóng hàng đầu châu Á thì khoảng cách về thể chất không thu ngắn được bao nhiêu. Và điều này không chỉ ở U17 mà tuyển thủ bóng đá các lứa tuổi U19, U22 cũng tương tự.

Nguyên nhân lớn nhất đến từ cách tiếp cận bóng đá trẻ của chúng ta. Cho đến nay, việc tuyển sinh đào tạo gần như chỉ chú trọng vào chuyên môn, kỹ năng, hầu như không xét đến các yếu tố về thể chất, dinh dưỡng. Thậm chí, trong quá trình đào tạo, các chỉ số phát triển cơ thể cầu thủ chưa được quan tâm đúng mức để thu thập, theo dõi, phân tích nhằm can thiệp cải thiện bằng phương pháp khoa học thông qua dinh dưỡng và tập luyện nhằm tăng độ dày các bó cơ, cường độ vận động.

Nếu chiều cao khó thay đổi đột biến do di truyền, thì vẫn có yếu tố sức mạnh thể chất, cân nặng không khó để cải thiện. Cầu thủ Cristiano Ronaldo (Bồ Đào Nha) có thể chơi bóng cường độ cao ở tuổi 40, hay Messi (Argentina) khiêm tốn chiều cao nhưng sức mạnh cơ thể chính là nền tảng để siêu sao này chơi bóng đỉnh cao ở tuổi 37.

Do đặc thù không có hệ thống thi đấu bóng đá trẻ phong phú, nên các đội tuyển U của bóng đá Việt Nam thường không thay đổi theo lứa tuổi. Từ đội tuyển U17 đến U20 gần như sử dụng chung một lực lượng cầu thủ. Nghĩa là nếu U17 của chúng ta kém về tầm vóc thì U20 hay thậm chí là U22 cũng khó mà tốt hơn.

Điều này càng cho thấy tầm quan trọng của khâu tuyển sinh đầu vào và công tác đầu tư thể chất cho cầu thủ trẻ ở tuổi 15-17. Làm không tốt, đến U17 mà vẫn còn “thấp bé, nhẹ cân”, thì rất khó kỳ vọng cho các lứa tuổi tiếp theo. Lần gần nhất U17 Việt Nam vào tứ kết giải châu Á là vào năm 2016, lẽ ra ở thời điểm này, lứa cầu thủ đó sẽ tỏa sáng khi 24-25 tuổi, thế nhưng trong đội hình năm 2016, đến nay chỉ có mỗi trung vệ Nguyễn Thanh Bình, người có chiều cao 1,83m, trở thành tuyển thủ quốc gia.

Trong bóng đá hiện đại, U17 được xem là lứa tuổi đầu tiên được ghi nhận của một cầu thủ chuyên nghiệp, là thời điểm để đánh giá khả năng phát triển cũng như tương lai của sự nghiệp cầu thủ. Ngày càng có nhiều cầu thủ chỉ mới 16 tuổi đã chơi ở hạng cao nhất hay khoác áo tuyển quốc gia mà trường hợp của “thần đồng” Lamine Yamal (Tây Ban Nha) ở EURO 2024 là điển hình. Với các CLB chuyên nghiệp của châu Âu, các cầu thủ U17 được săn đón để ký hợp đồng, nếu không đá ở đội 1 thì được cho mượn như một khoản đầu tư tiềm năng. U17 chính là thời điểm định hình gần như hoàn chỉnh một cầu thủ.

Nói cách khác, sự thua kém ngay từ trước khi bước ra sân thi đấu của U17 tại sân chơi châu Á năm nay không để lại những tín hiệu lạc quan cho thế hệ kế cận của bóng đá Việt Nam nếu chúng ta không có thay đổi tư duy, chăm lo từ cái gốc của bóng đá trẻ với những giải pháp khoa học về đào tạo cũng như thay đổi môi trường thi đấu ở bóng đá trẻ.

Tin cùng chuyên mục