Mấy hôm trước, cô bạn thân gửi cho tôi bức ảnh một lọ bông bưởi xinh xinh. Gọi là lọ bông, nhưng thực chất chỉ có mấy cành bông bưởi cắm vào chiếc ly nhỏ. Bạn bảo chợ gần nhà có bán bông bưởi, thấy hay hay nên mua về cắm.
Cô bạn hỏi tôi có nhớ cây bưởi già nhà cụ Huyên trong xóm không? Làm sao tôi quên cái cây nhiều kỷ niệm ấy. Ngày còn thơ, tôi thân thuộc với nó như chính cây trái trong vườn nhà mình vậy. Cái cây già cỗi, trên thân đã nổi chi chít những đốm mốc tròn, như da đồi mồi của các bà, các cụ. Qua tết là nó sẽ đơm bông, bông rất sai, nở trắng cả cây nhưng chẳng đậu được mấy trái.
Trái của cây bưởi ấy rất chua, người lớn nhấm một tí nơi đầu lưỡi là nhăn mặt, chỉ có đám trẻ con chúng tôi là thích thú. Ngồi tán chuyện cùng nhau, có thêm đĩa muối thì trái chua hay trái chát cũng đều ngon cả.
Cụ Huyên bảo cây bưởi ấy toàn ra bông đực, nên lấy đâu ra trái. Ai thích thì cứ tới mà hái về nấu nước gội đầu, ướp trà hay làm bột sắn dây bông bưởi. Mùa bông bưởi tới, nhà cụ Huyên ngày nào cũng có khách. Khu vườn mát mẻ, tràn ngập hương bưởi trở thành chốn vui đùa yêu thích của lũ trẻ con trong xóm. Chúng tôi thường hẹn nhau tới đó chơi đồ hàng. Những cánh bông bưởi rụng xuống đất còn trắng phau phau, chưa giập nát, lấm lem được nâng niu để giả làm mứt dừa, làm kẹo hay bánh trôi… bao nhiêu món ăn ngon lành từ từ hiện lên trong trí tưởng tượng của đám trẻ nhà quê.
Chúng tôi cứ thế lớn lên cùng những mùa bông bưởi. Khi đã cao tồng ngồng, ra dáng người lớn, chẳng còn đứa nào vào vườn cụ Huyên chơi nữa. Chúng tôi ra phố học được mấy tháng thì cụ Huyên cũng bán nhà về quê. Cụ vốn là người trên miền ngược, đói kém khó khăn quá mới về đây kiếm kế sinh nhai. Khi mấy người con trai của cụ trưởng thành, ai cũng muốn đi khỏi cái xứ này. Có người vào Nam, có người về lại quê cũ, cụ mỗi ngày một già yếu, chẳng thể ở một mình nữa lại phải theo con về quê. Lúc ấy ở đâu mới là quê hương, chính cụ cũng không biết nữa. Bởi đất cũng như người, ở lâu ắt hẳn có tình cảm.
Ngày sắp đi, cụ Huyên đi chơi khắp làng trên xóm dưới để chào tạm biệt mọi người. Mọi người vẫn đùa: “Cụ đi rồi, giờ này cả làng biết đến nhà ai xin bông bưởi đây?”. Sau câu nói ấy, ai cũng cười mà nước mắt cứ nhòe đi. Ngày về dựng nhà ở cái làng này, cụ mới ngoài bốn mươi, dắt theo một đám con nheo nhóc. Ấy vậy mà chớp mắt đã gần bốn chục năm, thêm nửa đời người qua từ bao giờ. Ai cũng biết lần gặp này là lần cuối, nên mới bịn rịn như vậy.
Mùa sau, cây bưởi già vẫn đơm bông trong căn nhà vắng. Hương thơm nồng nàn, quyến rũ của nó bay khắp làng. Bỗng đâu, một ngày kia, cây bưởi tự dưng héo úa rồi dần tàn lụi. Bẵng đi một quãng, có người trong làng đi làm ăn ở quê của cụ Huyên, mới lân la hỏi thăm, hỏi ra mới biết cụ đã về gặp ông bà, tổ tiên. Cụ mất đúng cái đợt cây bưởi trong vườn nhà cũ chết khô. Phải chăng, cây cỏ cũng có tình, biết nhớ thương, lưu luyến và buồn đau?
Mỗi lần nhìn thấy những bông bưởi trắng ngần, tôi lại nhớ về làng, về những câu chuyện xa xăm của ngày ấu thơ. Định bụng mua một ít bông bưởi chưng trong nhà cho thơm, nhưng nghĩ mãi lại thôi. Người ta có thể nhớ nhung, hoài niệm, nhưng làm sao quay ngược về tuổi thơ. Thôi đành an ủi mình, biết nhớ, biết thương đã là hạnh phúc.