Giữa nghề thầy thuốc và nghề viết văn, PGS-TS Nguyễn Hoài Nam không bận tâm phân định chính và phụ. Bởi lẽ, ông quan niệm rất rõ ràng về công việc chữa trị nỗi đau thể xác và công việc xoa dịu nỗi đau tinh thần. Ông tự nguyện gánh vác cả hai công việc ấy, một cách ung dung và nồng nhiệt.
Xưa nay, bác sĩ theo đuổi văn chương khá nhiều, nhưng hiếm hoi tác giả viết trực diện về vui buồn thầy thuốc. Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam thấu hiểu sự thật đó, nên ông tận tụy chuyển tải những câu chuyện của mình và của đồng nghiệp vào văn chương.
Và vào những ngày tháng 8 này, trong cuốn sách mới nhất của mình nhan đề “Bác sĩ phẫu thuật”, ông đã hé cửa phòng mạch, cho công chúng nhìn ngắm thầy thuốc ở nhiều chiều thường bị lãng quên, thường bị khuất lấp. Đồng thời, ông đem văn chương vào phòng mạch, để tâm hồn thầy thuốc lấp lánh cùng thị phi công chúng.
Văn phong của Nguyễn Hoài Nam dung dị và mạch lạc. Ông không lên giọng rao giảng, cũng không ra vẻ cao siêu. Những vấn đề phức tạp của y tế và của xã hội, luôn được ông lý giải rõ ràng và đơn giản.
Vì vậy, đọc tác phẩm của Nguyễn Hoài Nam, độc giả dễ dàng thu hoạch được nhiều thông tin thú vị và nhiều tâm trạng bâng khuâng như trong “3 giờ ở một phòng cấp cứu bệnh viện”, “Đêm trực khó quên” hoặc “Nhật ký một ngày của bác sĩ”. Và đôi khi, để lại sau lưng những câu chuyện ngành y, nhà văn Nguyễn Hoài Nam đưa bạn đọc dõi theo những bước chân vừa phiêu lãng vừa trầm tư qua các ghi chép đầy mê đắm từ “Bên kia dốc núi”, “Nơi mùa đông đi qua” hoặc “Cô đơn xuống phố”.
Có thể nói, ở cương vị người viết văn, Nguyễn Hoài Nam đọng lại ở hai mảng chính là truyện ngắn và ký sự. Ở mảng truyện ngắn, dù có nêm nếm chút gia vị hư cấu và cố tình mã hóa vài chi tiết để bớt động chạm riêng tư của người khác, tác giả đã phần nào thuyết phục người đọc qua các truyện ngắn “Bác sĩ phẫu thuật”, “Về hưu”, “Cha, con và đàn bà”, “Đòi rượu”…
Ở mảng ký sự, phẩm chất kết hợp giữa nhà văn và bác sĩ của tác giả Nguyễn Hoài Nam hiển lộ đậm nét nhất. Những người đã gặp, những điều đã thấy, những chuyện đã nghe dọc hành trình miệt mài mưu sinh và lập nghiệp, được tích tụ thành dữ liệu mang dấu ấn Nguyễn Hoài Nam trong các ký sự “Mưa chiều chủ nhật”, “Thượng úy chờ tin”, “Hồi ức về một linh mục”, “Chiếc lá rụng cuối mùa thu”… có mất mát, tiếc thương, có ngộ nhận, xót xa nhưng tất cả đều được “chữa lành” bằng sự bao dung và ân cần.
Đọc “Bác sĩ phẫu thuật”, mỗi người tùy năng lực thẩm mỹ và biên độ thao thức có thể rút tỉa được những thấm thía khác nhau. Thế nhưng, ai cũng bắt gặp một bóng áo blouse bên trang viết xao xuyến nghĩa tình.