1. Có thể nói, Bốn năm sau và những trang viết về Điện Biên là một trong những tiểu thuyết đầu tiên viết về Điện Biên Phủ, cũng là kết quả của 4 tháng thâm nhập thực tế của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Tác phẩm được hoàn thành vào tháng 9-1959, sau 5 năm kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ. Thời điểm đó, từ tháng 8 đến tháng 12-1958, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là người dẫn đoàn văn nghệ sĩ đầu tiên lên Điện Biên kể từ sau chiến sự, tham gia vào mọi công việc lao động thường nhật của các chiến sĩ xây dựng mảnh đất Tây Bắc lịch sử này.
Cùng đi với Nguyễn Huy Tưởng thời gian đó có các nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Khải, nhạc sĩ Văn Cao, Nguyễn Văn Tý, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận... và sau đó, ai trong số họ cũng có những tác phẩm về Điện Biên cho riêng mình. Với nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, đó là tiểu thuyết Bốn năm sau và những trang viết về Điện Biên, kể về công cuộc tái thiết Điện Biên của các chiến sĩ Sư đoàn 316, bốn năm sau ngày giải phóng.
Bước vào tác phẩm, người đọc theo chân Doan - nhân vật chính, trở lại Điện Biên, nơi anh đã từng bao nhiêu đêm ngày sống chết với hào chiến đấu vắt lên sườn đồi. Cùng trở lại Điện Biên với Doan còn nhiều đồng đội khác, họ trở lại không phải để tiếp tục chiến đấu, tiếp tục với những ngày “cơm vắt, ngủ hầm”, mà là để xây dựng lại Điện Biên sau chiến tranh hãy còn ngổn ngang, mà như nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ví von là “giữa hoang vu và bàn tay người”.
Ngoài Doan, trên nông trường lúc đó còn có Ngàn, Hớn Hở, Cường, Bằng, Thống Chế… Họ cùng mang trong mình lý tưởng “hồi sinh” vùng đất từng bị băm vằm bởi bom đạn. Nhưng Điện Biên khi đó như một xã hội thu nhỏ, có những người chăm chỉ, hăng say lao động thì cũng có những người chây lười như Thống Chế; có những người luôn nghĩ đến những điều tích cực cho cái chung thì cũng có những người “thành kiến, ghét nhau, so bì, tị nạnh, nói bóng nói gió, thắc mắc linh tinh cứ như không phải chiến sĩ”.
Vừa thoát khỏi chiến tranh không lâu, vậy nên, cuộc sống ở Điện Biên khi đó thật khó khăn, thiếu thốn, và thậm chí là nguy hiểm khi có những quả mìn bất thình lình phát nổ. Nhưng dẫu vậy, dưới ngòi bút của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, các nhân vật vẫn tràn đầy sự lạc quan, tin yêu vào cuộc sống. Như khi Doan nói với ông cụ cùng làng trong một lần về phép: “Rồi cũng có làng, có phố như ở dưới ta, cũng có chợ, có trường học, có mậu dịch. Cái đồi trước chúng cháu đánh thì sẽ thành công viên, có đài kỷ niệm to lắm”.
2. Góp công làm ra ấn phẩm Bốn năm sau và những trang viết về Điện Biên không thể không nhắc đến ông Nguyễn Huy Thắng - con trai của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, trong vai trò biên soạn và chú dẫn. Nếu tiểu thuyết Bốn năm sau và những trang viết về Điện Biên chỉ đứng một mình, lẽ đương nhiên vẫn là một tác phẩm văn học giàu ý nghĩa. Nhưng cùng với đó là những trang viết ở dạng nhật ký, thư từ mà nhà văn Nguyễn Huy Tưởng gửi cho mọi người cũng như những bức thư mà mọi người gửi cho ông. Nếu không có Nguyễn Huy Thắng cất công gìn giữ và công bố, hẳn độc giả cũng không dễ dàng được tiếp cận nguồn tư liệu quý giá này.
Thông qua những trang nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng để lại, bạn đọc có cơ hội được kết nối và liên tưởng đến tiểu thuyết Bốn năm sau và những trang viết về Điện Biên, để hiểu rõ hơn về một thái độ lao động đầy nghiêm túc và khổ nhọc. Trong nhật ký ngày 13-8-1958, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết: “Đường đi cực kỳ khó. Qua suối nhỏ, sâu hoắm như vực, rồi lại dốc lên, quành thước thợ. Hoặc lội qua những suối rộng, láng xe đi. Đường hẹp, một bên vực, một bên núi, đã quanh co, lại đèo, lại dốc. Khi xe lên, nhìn xuống như vực thẳm. Có khi chỉ toàn đá lớn lởm chởm. Có khi đường ngoặt chữ chi…”.
Những trang nhật ký bên cạnh tiểu thuyết Bốn năm sau và những trang viết về Điện Biên, có thể xem là một minh chứng sống động cho quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật. Điều này, lúc đương thời, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã từng chia sẻ: “Một khi anh còn đi vào cuộc sống, còn lắng nghe những hơi thở của cuộc sống thực thì anh vẫn còn có thể viết văn được”. Vì lẽ đó, ấn phẩm Bốn năm sau và những trang viết về Điện Biên không chỉ có ý nghĩa với bạn đọc, mà còn ý nghĩa với những người cầm bút.
Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng của Việt Nam. Ông là tác giả của nhiều tiểu thuyết lịch sử, vở kịch lớn như: Vũ Như Tô, Đêm hội Long Trì, Bắc Sơn, Sống mãi với thủ đô... Ông là một trong những người sáng lập và là giám đốc đầu tiên của NXB Kim Đồng. Các độc giả nhỏ tuổi nhiều thế hệ yêu quý ông qua các tác phẩm thiếu nhi đặc sắc như: Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Tìm mẹ, An Tư công chúa, Cô bé gan dạ…