Bơm vốn tín dụng thực chất

Thủ tướng Chính phủ đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2024 đạt khoảng 15%; tương ứng, hệ thống ngân hàng cần bơm ra nền kinh tế hơn 2 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên tăng trưởng tín dụng trong 8 tháng đầu năm 2024 mới đạt 7,31%, tức chưa đạt 50% so với chỉ tiêu đưa ra, đây là thách thức không nhỏ.

Nhìn lại những năm tăng trưởng tín dụng cao trước đây cho thấy, chủ yếu là những năm thị trường bất động sản tăng “nóng”, nền kinh tế có tăng trưởng nhưng thiếu bền vững, tiềm ẩn nguy cơ bong bóng tài sản. Vì lĩnh vực bất động sản là một trong những ngành thâm dụng vốn lớn nên để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6%-6,5% thì tăng trưởng tín dụng phải tăng khoảng 14%-15%. Hiện thị trường bất động sản tương đối trầm lắng, nguồn vốn tín dụng thời gian qua chủ yếu chảy vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh nên tăng trưởng tín dụng tương đối thấp. Nhưng đây là sự tăng trưởng thực chất và hiệu quả.

Điều này cũng được thể hiện qua tăng trưởng GDP quý 2-2024 đạt 6,93%, cao hơn các kịch bản dự báo trước đó. Nếu chỉ tập trung “bơm” tín dụng quá đà mà không uốn nắn dòng vốn, kiểm soát lạm phát thì dòng vốn sẽ chảy vào các kênh đầu cơ rủi ro như bất động sản, chứng khoán… Cho nên, không nhất thiết tín dụng phải tăng 15% trong năm nay, mà có thể thấp hơn, nhưng nếu tín dụng gắn liền với nhu cầu vay vốn thực như sản xuất kinh doanh và tiêu dùng thì tăng trưởng GDP vẫn có thể vượt 6%. Muốn thực hiện được mục tiêu này, ngành ngân hàng cần có chính sách ưu đãi tập trung.

Lĩnh vực xuất khẩu cần tập trung vốn nhiều hơn vì sự phục hồi mạnh mẽ góp phần tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nên hỗ trợ, có những chiến lược cho vay lãi suất ưu đãi mạnh vì xuất khẩu được xem là 1 mũi tên trúng 2 đích: vừa hỗ trợ phát triển kinh tế, vừa mang lại ngoại tệ cho quốc gia. Trong giai đoạn này, nếu đẩy mạnh xuất khẩu và tỷ giá tiếp tục ổn định trong thời gian tới sau khi FED giảm lãi suất sẽ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Khi áp lực tỷ giá giảm, NHNN không cần điều chỉnh lãi suất điều hành để ứng phó với áp lực tỷ giá, từ đó NHNN có dư địa cho chính sách tiền tệ, duy trì lãi suất ở mức thấp nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Việc tỷ giá hạ nhiệt mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế, đặc biệt là giảm áp lực lạm phát, tăng cường sức mua nội địa và củng cố niềm tin tiêu dùng. Đặc biệt, cần chú trọng kích cầu tiêu dùng, yếu tố then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cuối năm vì đây là mùa mua sắm cao điểm cuối năm.

Chính phủ và NHNN sớm thực thi các chính sách đã ban hành hỗ trợ giúp người dân và doanh nghiệp phục hồi và khắc phục hậu quả sau lũ càng sớm càng tốt, đặc biệt là nhu cầu tái thiết nhà ở của người dân sau bão. Nhu cầu tín dụng để người dân và doanh nghiệp khắc phục sau bão dự kiến là tương đối lớn, nếu tập trung vốn tín dụng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; qua đó có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả hơn để hỗ trợ nền kinh tế.

Hiện nay với nội tại của nền kinh tế tại Việt Nam, vốn phục vụ cho nền kinh tế dựa vào kênh tín dụng khá lớn. Ngân hàng Thế giới cũng đã cảnh báo hiện dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam nằm trong các nước cao nhất thế giới. Nếu nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào vốn tín dụng sẽ dễ bị tổn thương và gặp rất nhiều rủi ro. Do đó, về lâu dài cần có giải pháp vực dậy thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp với quy mô và cơ cấu lớn hơn cả tín dụng. Điều này nhằm đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp và nền kinh tế. Việc phát triển thị trường vốn sẽ giúp giảm gánh nặng lên tín dụng ngân hàng, từ đó giảm rủi ro hơn.

Tin cùng chuyên mục