Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, từ đầu năm đến nay, điều kiện cho vay được giữ nguyên, không thắt chặt, các ngân hàng không bị hạn chế room tín dụng. Tiếp đó, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng mạnh lãi suất, nhưng từ đầu năm đến nay, NHNN Việt Nam đã 2 lần giảm lãi suất điều hành; đồng thời chỉ đạo, vận động các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động và cho vay.
Điều đó cho thấy, việc không tiếp cận được nguồn vốn là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế giảm. Sự suy giảm từ thị trường bất động sản cho đến thị trường vốn (chứng khoán, trái phiếu) đang gặp nhiều khó khăn cũng là những nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng tín dụng.
Do vậy, vấn đề cấp bách hiện nay là phải khai thông, bơm vốn cho nền kinh tế. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 5-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, lạm phát vẫn được kiểm soát trong mục tiêu Quốc hội giao, cần ưu tiên hơn cho tăng trưởng song vẫn nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Thủ tướng chỉ đạo NHNN tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Trước mắt phải tăng khả năng tiếp cận vốn cho sản xuất - kinh doanh và phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay với cả khoản vay mới và hiện hữu.
Tín hiệu tích cực là NHNN vừa ban hành Thông tư 02/2023 về chính sách hoãn giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ để giảm bớt các khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay và Thông tư 03/2023 nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới. Đây là phản ứng kịp thời, quyết liệt trong việc đáp ứng mong muốn của thị trường đang gặp khó khăn. Nhờ đó, các doanh nghiệp, bên vay được cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ, tiếp cận được vốn; các tổ chức tín dụng có thể đầu tư, cho vay, mua trái phiếu doanh nghiệp.
Để chính sách tín dụng lan tỏa, “thấm” vào nền kinh tế, trước tiên cần có sự chủ động vào cuộc của các tổ chức tín dụng. Đó là cần chủ động đưa ra các tiêu chí để xác định đối tượng hỗ trợ hoặc đầu tư, cho vay, cơ cấu lại nợ; chủ động đánh giá thực chất, bản chất các khoản vay và đầu tư, sẵn sàng nguồn lực trích lập dự phòng rủi ro theo quy định. Các tổ chức tín dụng cần có kênh thường xuyên trao đổi, làm việc với khách hàng, nắm tình hình tháo gỡ vướng mắc kịp thời; phải sát sao trong quá trình kiểm tra nhằm bảo đảm các khoản cơ cấu lại nợ, đầu tư trái phiếu an toàn, hiệu quả, đúng pháp luật. Về phía các cơ quan quản lý, cần theo dõi, đôn đốc, giám sát thực hiện và kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện.
Mặt khác, nhằm tăng tiếp sức cho doanh nghiệp hồi phục, các bộ ngành liên quan cần có giải pháp khai thác cầu nội địa, bên cạnh việc tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu. Một giải pháp quan trọng không kém, đó là đôn đốc thúc đẩy đầu tư công, vừa đảm bảo hoàn thành các công trình phục vụ kinh tế - xã hội phát triển đất nước, đồng thời là kênh dẫn vốn thiết thực cho nền kinh tế.
Hiện đã vào giữa quý 2, các giải pháp tháo gỡ cho nền kinh tế đều có độ trễ để thẩm thấu, do vậy muốn đạt được mục đích tăng trưởng trong năm nay cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, quyết liệt từ các cơ quan có trách nhiệm ngay lúc này.