Bom Bo ngày mới

Mảnh đất Bom Bo (nay thuộc thôn Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) gắn liền với quá khứ hào hùng về những ngày tháng sục sôi chiến đấu của đồng bào dân tộc S’Tiêng qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc trong thế kỷ 20. Bom Bo hôm nay “thay màu áo mới” nhưng nét đẹp truyền thống vẫn đang được bà con nâng niu, gìn giữ. 

Bom Bo ngày mới

Trả lại tên gọi Bom Bo

Từ những ngày chống Mỹ cứu nước, địa danh sóc Bom Bo đã đi vào lịch sử, đi vào lòng người qua bài hát Tiếng chày trên sóc Bom Bo của cố nhạc sĩ Xuân Hồng với những ca từ: “Đuốc lồ ô bập bùng bên ánh lửa, sóc Bom Bo rộn rã tiếng chày khua…”. Sóc Bom Bo đi vào huyền thoại và bất diệt với thời gian, khi tên đất, tên người, từng con sông, ngọn núi đã in đậm ký ức hào hùng của một thời bão đạn của cuộc chiến vệ quốc.  

Giáp Tết Kỷ Hợi, chúng tôi về thăm bà con nơi đây. Sóc Bom Bo trước là thôn 1, xã Bình Minh nhưng giờ đã được trả lại tên gọi vốn có - thôn Bom Bo. Con đường thảm nhựa về Bom Bo uốn lượn qua những ngọn đồi xanh mướt cà phê, điều và các loại cây ăn trái khác, được điểm xuyết  của những ngôi nhà mới, những biệt thự đang thay dần những căn nhà sàn đơn sơ thuở trước. Bom Bo hiện nay có 377 hộ với 1.805 nhân khẩu đồng bào thiểu số, chủ yếu là người S’Tiêng với 193 hộ, 972 nhân khẩu. Buổi tối ở Bom Bo không còn nghe tiếng chày giã gạo, không còn đuốc lồ ô bập bùng mà thay vào đó là ánh sáng của điện lưới quốc gia về đến từng nhà... Bom Bo cũng có thêm thuận lợi khi dự án trung tâm cụm xã, Chương trình 135, dự án ổn định di dân định canh định cư, dự án hạ tầng cơ sở nông thôn cộng đồng đã về tới thôn, cùng với xu hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thay đổi phương thức sản xuất. 

Bảo tồn văn hóa truyền thống 

Ở Bom Bo, già Điểu Lên chính là người lưu giữ những ký ức một thời hào hùng của buôn làng và cũng là đại diện ưu tú cho người S’Tiêng trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh. Sinh ra trong một gia đình S’Tiêng giàu truyền thống cách mạng, lớn lên trên mảnh đất Bom Bo, cũng như bao người con của buôn làng, già Điểu Lên không biết “cái chữ nó như thế nào” nhưng tinh thần cách mạng được hun đúc trong ông rất sớm.

Già làng Điểu Lên là chứng nhân cho những biến cố thăng trầm của buôn làng
 Lên 15 tuổi, Điểu Lên đã là cậu bé giao liên, làm nhiệm vụ đưa thư cho cán bộ trong căn cứ. Chưa tròn tuổi đôi mươi, ông nhập ngũ. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông tham gia hơn 40 trận, nhiều lần lập công, được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt ác phá kìm”, “Dũng sĩ diệt Mỹ - ngụy”. Bỏ cây súng về với đời thường, già Điểu Lên còn sưu tầm những hiện vật gắn liền với Bom Bo, những câu chuyện về tấm gương con người làm rạng danh mảnh đất này. Già Điểu Lên càng vui khi Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S’Tiêng được Trung ương, tỉnh quan tâm đầu tư, xây dựng và đưa vào sử dụng nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người S’Tiêng tỉnh Bình Phước. Nhờ đó, bà con trong sóc có nơi sinh hoạt, duy trì và giữ gìn nghề dệt thổ cẩm, nấu rượu cần, đan mây tre và các sản phẩm thủ công khác. Họ có điều kiện giữ gìn các loại hình văn hóa như múa cồng chiêng, cúng mừng lúa mới, lễ hội đâm trâu.


Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Bù Đăng Vũ Đức Hoàng, việc nâng cao vị thế của khu bảo tồn văn hóa trong việc giáo dục truyền thống, tạo điều kiện giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, dân tộc là rất quan trọng. Do đó, chủ trương xây dựng  khu bảo tồn tạo thành tổ hợp các công trình kiến trúc hoàn chỉnh sẽ tạo tiền đề triển khai các dự án thành phần tiếp theo, đồng thời với việc xây dựng, ổn định đời sống văn hóa, tạo công ăn việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào S’Tiêng tại khu tái định cư. Việc sưu tầm và bảo tồn cồng chiêng, dân ca S’Tiêng, đàn đá, kèn môi, khèn bầu, đàn tre, đàn gió và mở các lớp truyền dạy những loại hình nghệ thuật cũng được huyện chú trọng.

Theo anh Điểu Cóc (hướng dẫn viên Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S’Tiêng), đồng bào S’Tiêng ở Bom Bo giờ vẫn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, với làn điệu dân ca, múa truyền thống. Việc khôi phục, xây dựng sóc Bom Bo trở thành điểm di tích lịch sử văn hóa là việc làm có ý nghĩa không chỉ đối với bà con dân tộc S’Tiêng mà còn là niềm tự hào, góp phần giữ gìn truyền thống cách mạng, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, du lịch của tỉnh Bình Phước. Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Nguyễn Thanh Bình cho biết thêm, huyện đang phấn đấu thực hiện tốt việc đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp trang thiết bị phục vụ hoạt động trong khu bảo tồn. Đồng thời thực hiện chính sách về chế độ bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn cho diễn viên, nghệ nhân tham gia hoạt động văn hóa theo quyết định của UBND tỉnh. Đặc biệt ưu tiên việc đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ văn hóa là người dân tộc thiểu số, bảo đảm chế độ ưu đãi để họ có thể trở về công tác ở địa phương.

Tin cùng chuyên mục