Theo quy định tại Luật Bưu chính thì bưu gửi (bao gồm thư, gói, kiện hàng hóa) được chấp nhận, vận chuyển và phát hợp pháp qua mạng bưu chính. Dịch vụ bưu chính là dịch vụ chấp nhận, vận chuyển và phát bưu gửi bằng các phương thức từ địa điểm của người gửi đến địa điểm của người nhận qua mạng bưu chính, trừ phương thức điện tử.
Chương 5 Nghị định 47/2011 quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính đã nêu nguyên tắc bồi thường thiệt hại trong việc cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính. Theo đó, việc bồi thường thiệt hại trực tiếp được thực hiện trên cơ sở hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính. Không bồi thường thiệt hại gián tiếp ngoài hợp đồng hoặc các nguồn lợi không thu được do việc cung ứng dịch vụ bưu chính không bảo đảm chất lượng mà hai bên đã thỏa thuận. Trường hợp bưu gửi bị mất, hư hỏng hoặc tráo đổi toàn bộ, thì được bồi thường theo quy định đối với từng loại dịch vụ. Mức bồi thường thiệt hại do doanh nghiệp quy định, không thấp hơn mức giới hạn trách nhiệm bồi thường của từng loại dịch vụ theo quy định. Không bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp: dịch vụ bưu chính không có chứng từ xác nhận việc chấp nhận bưu gửi; người sử dụng dịch vụ không có chứng từ chứng minh việc sử dụng dịch vụ.
Đối với dịch vụ bưu chính trong nước, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại tối thiểu là 4 lần cước (đã bao gồm hoàn trả lại cước dịch vụ đã sử dụng) của dịch vụ đã sử dụng. Đối với dịch vụ bưu chính quốc tế được vận chuyển bằng đường hàng không, mức bồi thường thiệt hại tối thiểu là 9SDR/kg (SDR là đồng tiền dự trữ quốc tế), nhưng không thấp hơn 30SDR/bưu gửi, cộng với hoàn trả lại cước của dịch vụ đã sử dụng. Đối với dịch vụ bưu chính quốc tế được vận chuyển bằng phương thức khác, mức bồi thường thiệt hại tối thiểu là 5SDR/kg, cộng với hoàn trả lại cước của dịch vụ đã sử dụng. Trường hợp vi phạm hợp đồng đã giao kết do không đảm bảo thời gian đã công bố và người sử dụng dịch vụ bưu chính có chứng từ chứng minh việc không đảm bảo thời gian đó, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính có trách nhiệm hoàn trả lại cước của dịch vụ đã sử dụng cho người sử dụng dịch vụ bưu chính.
Để tránh trường hợp bị mất hàng hóa có giá trị cao nhưng giá trị đền bù lại thấp, khách hàng cần yêu cầu phía đơn vị chuyển phát ký kết hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ, quy định mức phí phù hợp với giá trị hàng hóa, cùng với việc kê khai, cung cấp các chứng từ rõ ràng, nhằm thể hiện giá trị chính xác của món hàng. Có thể phí dịch vụ cho việc vận chuyển này sẽ cao hơn, nhưng đổi lại khách hàng có được sự an tâm khi sử dụng dịch vụ và nếu có trường hợp không mong muốn xảy ra, đơn vị chuyển phát sẽ phải chịu trách nhiệm như đã thỏa thuận trong hợp đồng.