Ngày 11-9, chương trình Dân hỏi – Chính quyền trả lời tháng 9 diễn ra với chủ đề Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TPHCM. Chương trình do Thường trực HĐND TPHCM, Đài Truyền hình TPHCM và Sở TT-TT TPHCM phối hợp thực hiện.
Tham dự chương trình có đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM. Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM điều hành chương trình.
Đã đủ quỹ nhà tái định cư
Tại chương trình, lãnh đạo các sở và Chủ tịch UBND TPHCM, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức đã trả lời câu hỏi mà cử tri trực tiếp gửi đến, hoặc thông qua các đại biểu HĐND TPHCM. Nhiều cử tri bày tỏ quan tâm đến công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 3, nhất là về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Dự án xây dựng đường Vành đai 3 đi qua địa bàn TPHCM với chiều dài 47,51km, qua 4 địa phương là TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Củ Chi và Bình Chánh, ảnh hưởng tới 2.377 hộ dân. Tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự kiến là hơn 25.000 tỷ đồng. Dự kiến, dự án thi công trong 36 tháng và hoàn thành toàn bộ vào năm 2026.
Trả lời cử tri, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Võ Trung Trực cho biết, tính đến nay, người dân ở 4 địa phương có đường Vành đai 3 đi qua đã đồng thuận để chính quyền xác lập hồ sơ trước đạt trên 65%, riêng Hóc Môn đã đạt hơn 95%.
Cuối tháng 9 đầu tháng 10-2022, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM sẽ giao ranh cắm mốc tại thực địa cho 4 địa phương để xác định chính xác tọa độ. Tháng 11-2022, báo cáo khả thi dự án cũng sẽ được phê duyệt. Đó là hai mốc thời gian quan trọng nhất để chính thức triển khai dự án bồi thường.
Theo ông Võ Trung Trực, bắt đầu từ 1-12-2022, trước tiên là thông báo thu hồi đất. Dự án đường Vành đai 3 thực hiện thông báo thu hồi đất chia thành hai loại là đất nông nghiệp và phi nông nghiệp. Từ khi thông báo đến khi có quyết định thu hồi đất là 90 ngày.
Dự án này có hơn 90% là đất nông nghiệp. Đến tháng 4-2023, TPHCM sẽ chi trả toàn bộ số tiền bồi thường đất nông nghiệp. Tháng 5-2023 sẽ bàn giao toàn bộ đất nông nghiệp cho nhà đầu tư. Với đất ở, sẽ chi trả vào tháng 7-2023 và bố trí tái định cư, thu hồi mặt bằng từ tháng 8, đảm bảo bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trước tháng 12-2023, để triển khai xây lắp vào đầu năm 2024. Khởi công trong tháng 6-2023.
Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM cho biết, ước tính đơn giá bồi thường nông nghiệp trồng cây lâu năm là từ 3,8-8,2 triệu đồng/m², đất nông nghiệp từ 3,2-6 triệu đồng/m², đất ở qua khảo sát là từ 18,7 triệu đồng đến hơn 40 triệu đồng/m² tùy vị trí.
“Đó là giá tạm tính. Còn thực tế sẽ tham khảo giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường để tham mưu giá cụ thể chi trả cho bà con”, ông Võ Trung Trực giải thích.
Về phương án tái định cư, ông Võ Trung Trực cho biết, trong 4 địa phương có đường Vành đai 3 đi qua, TP Thủ Đức và huyện Bình Chánh đã đảm bảo đủ quỹ nhà tái định cư tại địa phương. Riêng Hóc Môn cần thêm hơn 60 nền tái định cư, Củ Chi cần hơn 65 nền. Lãnh đạo hai huyện này cũng đang phối hợp sở ngành làm thủ tục để được bố trí tái định cư tại chỗ (tái định cư tại cùng huyện).
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cũng cho biết, trên Trang thông tin đất đai TP Thủ Đức (công bố ngày 29-8) sẽ cập nhật tiến độ bồi thường, công khai để người dân cùng giám sát. Đồng thời vận động kêu gọi thêm với chủ các khu đất chưa xác định được thông tin sẽ liên hệ với chính quyền. Từ đó hỗ trợ công tác lập phương án bồi thường một cách nhanh chóng.
“Kiểu mẫu” cho các dự án sau này
Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhìn nhận, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là nội dung rất quan trọng, đóng góp cho sự phát triển của Thành phố, liên quan đến đời sống người dân và chứa đựng nhiều vấn đề phức tạp do cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện.
Công tác này thời gian qua đã bộc lộ những hạn chế, dẫn đến kiến nghị, khiếu nại của người dân. Trong đó, bất cập lớn nhất là chênh lệch giữa giá bồi thường và giá thị trường. Đây là vấn đề chung khi TPHCM thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trên nền cơ sở pháp lý chung của cả nước. TPHCM đã nỗ lực tìm kiếm giải pháp, có chính sách đặc thù để bù đắp vào khoản chênh lệch này. Bên cạnh đó là tập trung góp ý sửa đổi cái nền – là Luật Đất đai 2013.
Một vấn đề khác là bất cập trong bố trí quỹ nhà tái định cư, như ý kiến chuyên gia nêu tại chương trình, là “vừa thừa vừa thiếu”, “đang ở Hóc Môn mà được tái định cư ở Bình Chánh, trong khi học hành, việc làm vẫn ở Hóc Môn”. Theo Chủ tịch UBND TPHCM, dự án đường Vành đai 3 sắp tới, TPHCM giữ nguyên tắc là bố trí tái định cư trên địa bàn.
Cũng xuất phát từ thực tế thông tin các dự án có lúc chưa rõ ràng minh bạch, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, đối với dự án đường Vành đai 3, TPHCM đang chuẩn bị kỹ lưỡng các thông tin về bồi thường, hỗ trợ tái định cư để thông báo cho bà con.
Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, trong thời gian tới, sẽ tập trung làm tốt hơn công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, phù hợp với hạ tầng, gắn với sinh kế của người dân. Về dự án đường Vành đai 3, đồng chí cho biết phải điều tra xã hội học để hiểu được sinh kế người dân, từ đó bố trí tái định cư và hỗ trợ cho phù hợp.
“Mong việc bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 3 sẽ tạo ra một kiểu mẫu, mẫu mực để cho các dự án sau này. Ngoài việc bố trí nền tái định cư, TPHCM chuẩn bị nhà ở xã hội để bán, cho thuê… để bà con có thêm lựa chọn”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Liên quan dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm mà cử tri đặt câu hỏi, đồng chí Phan Văn Mãi thông tin, UBND TPHCM đã lập tổ công tác về dự án. Tổ rà lại quy hoạch, xác định lại phương thức đầu tư, nguồn vốn, để kỳ họp HĐND TPHCM cuối năm nay sẽ trình chủ trương đầu tư dự án. Dự kiến, dự án sẽ triển khai từ năm 2023, là dự án trọng điểm của TPHCM để chào mừng 50 năm ngày thống nhất đất nước.
Người dân hiến đất, chính quyền phải trao tận tay giấy tờ đã cập nhật Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại chương trình: Dân hỏi-Chính quyền trả lời.Ảnh:VIỆT DŨNG
|