Vườn quất rộng hơn 1ha với hơn 5.000 cây của ông Phan Xuân Tâm (68 tuổi, thôn Tây Phước, xã Bình Khương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đang ra trái sum suê.
Cách đây 2 năm, sau khi mày mò, tìm hiểu về giống cây trồng mới để thay thế cây keo, ông Tâm đã quyết định chọn trồng quất. Sau thời gian xuống giống và chăm sóc, cây quất đã cho trái sum suê.
Vườn quất của ông Tâm đã phát triển sau một thời gian xuống giống, chăm sóc |
Cây quất cho ra trái đầu tiên mang lại nguồn thu hằng ngày cho gia đình |
Ông chia sẻ: “Trước đây, đất gò đồi này trồng keo, nhưng trồng keo thì hiệu quả kinh tế thấp, mưa bão hằng năm gây ngã đổ keo. Tôi nghĩ cần phải chọn một giống cây thấp hơn để hạn chế ngã đổ và tôi chọn cây quất. Đặc điểm cây quất là chịu hạn, chịu nắng tốt hơn các loại cây khác, đưa lên đất gò đồi vẫn dễ sống”.
Theo ông Tâm, cây quất ra hoa kết trái quanh năm. Nếu phát huy tối đa sẽ cải thiện thu nhập người dân. Từ 5.000 cây quất, mỗi ngày gia đình ông Tâm có thể hái hơn 30kg, thu nhập khoảng 350 nghìn đồng từ việc bán trái quất. Sau khi bán trái, cây quất được chăm sóc, cắt tỉa lại cho ra trái đều và đẹp để làm cây cảnh bán dịp tết.
Thay vì chờ đến tết để bán cây, ông Tâm bán trái mỗi ngày |
Ông Tâm chuyển đổi đất trồng keo sang trồng quất |
Để vườn cây luôn xanh tốt, cho thu nhập khá, ông Tâm đã đầu tư hệ thống tưới tiêu, béc phun hiện đại, bằng cách này, nước tưới xoay đều đặn, vừa tiết kiệm nhân công và tiết kiệm thời gian chăm sóc.
Bà Nguyễn Thị Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Khương cho biết: “Mô hình trồng cây của hộ Phan Xuân Tâm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sắp tới, Hội Nông dân xã tham mưu các cấp ủy đảng, chính quyền tạo điều kiện để các hội viên nông dân đi tham quan, học hỏi mô hình, nhân rộng mô hình trồng cây quất hiệu quả”.
Sắp tới, ông Tâm sẽ mở rộng trồng thêm 3.000 cây quất mới, những cây quất đã lớn sẽ trồng vào chậu để bán tết, còn lại tiếp tục chăm sóc bán trái.