Chiều 2-3, tại Nhà Quốc hội, đoàn giám sát của Quốc hội chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” làm việc với Bộ Xây dựng.
Chủ trì phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Bộ Xây dựng được giao lập 2 quy hoạch ngành quốc gia, gồm Quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn và Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản, vật liệu xây dựng. Hiện nay, 2 quy hoạch ngành quốc gia của Bộ Xây dựng đều chưa hoàn thành, mới chuẩn bị lựa chọn tư vấn quy hoạch, dự kiến đến tháng 12 mới trình Thủ tướng phê duyệt.
Phó Chủ tịch cũng đã nêu hàng loạt vấn đề để Bộ Xây dựng báo cáo cụ thể hơn, như sự trùng lặp giữa “quy hoạch chung đô thị trong thành phố trực thuộc Trung ương” và quy hoạch tỉnh, qua đó đề xuất giải pháp xử lý.
Ông cũng đề nghị lãnh đạo bộ này báo cáo rõ hơn khó khăn, vướng mắc, giải pháp khắc phục mâu thuẫn giữa pháp luật về sử dụng đất, pháp luật về xây dựng, quy hoạch đô thị; báo cáo cụ thể hơn về các giải pháp đảm bảo thống nhất thời kỳ quy hoạch, quy hoạch tỉnh, quy hoạch chức năng…
Báo cáo với đoàn giám sát, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong quá trình tổ chức lập 2 quy hoạch ngành quốc gia nêu trên, Bộ Xây dựng nhận thấy, theo quy định pháp luật về đấu thầu, các viện nghiên cứu là đơn vị sự nghiệp trực thuộc bộ, có năng lực và nhiều kinh nghiệm nhưng không được tham gia thực hiện gói thầu dịch vụ tư vấn lập quy hoạch, trong khi có rất ít đơn vị tư vấn có đủ chuyên môn chuyên sâu thực hiện đảm bảo chất lượng nhiệm vụ của các quy hoạch này.
“Trong quá trình triển khai lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch, do quy định pháp luật về quy hoạch và đấu thầu chưa quy định rõ và nhất quán về thẩm quyền quyết định đầu tư và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nên còn lúng túng trong tổ chức thực hiện”, ông Nguyễn Thanh Nghị giải trình.
Thêm vào đó, người đứng đầu ngành xây dựng cho biết, về việc tích hợp các nội dung quy hoạch các ngành, lĩnh vực có liên quan vào quy hoạch ngành cần lập, hiện chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể về cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong quá trình xây dựng các quy hoạch ngành.
Bày tỏ quan điểm về việc lập quy hoạch chung đô thị trong thành phố trực thuộc Trung ương và quy hoạch tỉnh (đối với 5 thành phố trực thuộc Trung ương), ông Nguyễn Thanh Nghị nhận định, mối quan hệ giữa quy hoạch chung đô thị và quy hoạch tỉnh đã được quy định tại Khoản 3 Điều 29 Luật số 35/2018/QH14 (sửa đổi, bổ sung Điểm a Khoản 1 Điều 18 Luật Quy hoạch đô thị).
Theo đó, nội dung “quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương” là cụ thể hóa quy hoạch tỉnh được lập ở thành phố trực thuộc Trung ương về tổ chức không gian, hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở. Như vậy, kết quả nghiên cứu, sản phẩm đầu ra của quy hoạch chung đô thị là cụ thể, khác biệt với quy hoạch tỉnh.
Hiện nay, có 3/5 thành phố trực thuộc Trung ương đã được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tỉnh (nhiệm vụ quy hoạch thủ đô Hà Nội và TPHCM chưa được phê duyệt) và đang tổ chức lập quy hoạch. Tuy nhiên, trong quá trình tham gia ý kiến đối với các nhiệm vụ quy hoạch tỉnh, Bộ Xây dựng nhận thấy sẽ có các nội dung trùng lặp trong quá trình nghiên cứu phân tích, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế xã hội, đánh giá hiện trạng sử dụng đất, đánh giá về nguy cơ và tác động biến đổi khí hậu trên địa bàn.