Thay đổi toàn diện phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, năm học 2022-2023 là năm thứ ba triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018 trên cả nước. Đây là nội dung lớn, thực tế triển khai đang gặp nhiều khó khăn nên cần sự quyết tâm, nỗ lực nhiều hơn của các đơn vị.
“Chương trình dù hay nhưng con người triển khai không hiệu quả cũng không có tác dụng. Tôi muốn nhấn mạnh vai trò của các thầy, cô giáo đã đáp ứng đúng tinh thần đổi mới của chương trình hay chưa?”, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM bày tỏ.
Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, tới đây ngành giáo dục sẽ thực hiện rà soát, quán triệt mạnh mẽ hơn nữa tinh thần đổi mới cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên là đổi mới toàn diện phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh, không quá đặt nặng yêu cầu kiểm tra kiến thức.
Trong đó, yêu cầu kiểm tra, đánh giá học sinh được triển khai qua nhiều hình thức như đánh giá định kỳ, đánh giá thường xuyên, đánh giá bằng nhận xét chứ không chỉ đánh giá qua điểm số như trước đây.
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ giáo viên khi triển khai CT GDPT 2018 |
Đồng quan điểm, GS.TS Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn nêu thực tế, khi triển khai chương trình mới, có giáo viên than khó dạy, có người cho rằng dạy dễ.
"Vấn đề ở chỗ các thầy, cô giáo phải xác định rõ phương pháp tiếp cận và giảng dạy phù hợp. Nội dung chương trình thay đổi nhưng phương pháp tiếp cận của con người không đổi thì đổi mới sẽ không có ý nghĩa", GS.TS Phạm Hoàng Quân khẳng định.
Làm rõ hơn điều này, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp dẫn chứng, một bộ phận giáo viên đang bị ảnh hưởng bởi “quán tính” nghề nghiệp là tập trung khai thác tối đa kiến thức, trong khi mục tiêu của CT GDPT 2018 là trang bị cho học sinh kỹ năng và phương pháp.
Thêm vào đó, dạy học theo hướng đổi mới không quá đặt áp lực vào việc truyền đạt kiến thức trên lớp mà quan tâm nhiều hơn đến việc chuẩn bị bài, kỹ năng tự học, tự nghiên cứu của học sinh.
Đẩy mạnh bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên
Ông Lê Thanh Hải, Trưởng phòng GD-ĐT quận 5 nêu ý kiến, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cần được thực hiện thường xuyên, giáo viên sau khi có chứng chỉ bồi dưỡng vẫn cần tiếp tục bồi dưỡng để nâng cao năng lực và nghiệp vụ chuyên môn phục vụ công tác giảng dạy.
Trưởng phòng GD-ĐT quận 5 nêu ý kiến tại buổi làm việc |
Ở góc độ khác, ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD-ĐT quận 3 đề xuất, bên cạnh các lớp bồi dưỡng dài hạn, Trường Đại học Sài Gòn nên tổ chức thêm các khóa bồi dưỡng ngắn hạn cho giáo viên, đặc biệt với các môn tích hợp - môn học mới của CT GDPT 2018.
Trước đó, theo Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM) Lê Duy Tân, TPHCM là một trong những địa phương đi đầu cả nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên triển khai CT GDPT 2018.
Cụ thể, thành phố đã tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên từ năm 2019 để chuẩn bị trước nguồn lực triển khai chương trình.
Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM Hồ Tấn Minh cho biết, Sở GD-ĐT TPHCM đặt hàng Trường Đại học Sài Gòn tổ chức các lớp bồi dưỡng về đổi mới tư duy cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán trong toàn ngành nhằm nâng cao hiệu quả triển khai CT GDPT 2018.
Hiện nay, ngành giáo dục và đào tạo đang khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu toàn ngành, kết hợp với việc xây dựng Khung năng lực số dành cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đẩy mạnh xây dựng kho học liệu số, thư viện số nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu học tập của người dân.