Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và công nghệ số nói riêng đã có những ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của truyền thông và làm thay đổi hoàn toàn quy trình, cách thức sản xuất các video, clip. Việc ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý, điều hành và tổ chức sản xuất, phân phối giúp các sản phẩm đa phương tiện trở nên hấp dẫn hơn, tiếp cận nhanh hơn với công chúng.
Thống kê cho thấy, hiện cả nước có 77,93 triệu người dùng internet, chiếm 79,1% tổng dân số và theo dự báo đến năm 2025, số người dùng internet sẽ tăng lên 80 triệu người. Thực tế cho thấy, nhờ các thiết bị di động được kết nối internet tốc độ cao, người dùng đã dễ dàng tiếp cận các sản phẩm video, clip và xu hướng gây chú ý là các clip ngắn, nội dung cô đọng.
Hiện số người dùng mạng xã hội của Việt Nam đã đạt 70 triệu, tương đương 71% tổng dân số cả nước. Trong khi đó, những sản phẩm đa phương tiện của các công ty truyền thông đăng tải trên các mạng xã hội đã thúc đẩy nền tảng công nghiệp theo cách hoàn toàn mới và tạo ra rất nhiều thách thức đối với cơ quan báo chí.
Do đó, có thể đứng vững trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, các cơ quan báo chí phải chuyển mình mạnh mẽ, tận dụng sự phát triển công nghệ để sản xuất và phân phối nhiều sản phẩm mới hấp dẫn, cuốn hút công chúng trên xu hướng đa phương tiện, đa nền tảng. Lớp học nhằm bồi dưỡng phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí về ý tưởng, công nghệ, góc quay hình ảnh, cách biên tập, dàn dựng các video, clip hoàn chỉnh trên nền tảng đa phương tiện.