Văn hóa đọc đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển nhân cách cá nhân, ảnh hưởng đến chiến lược phát triển con người, cũng chính là sự phát triển, thịnh vượng của mỗi quốc gia, dân tộc. Song làm thế nào để thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay thích đọc sách, yêu sách, trân quý sách vẫn là câu hỏi lớn.
Với sự bùng nổ của công nghệ, không thể phủ nhận văn hóa đọc của người trẻ đang chịu những tác động mạnh mẽ. Một dẫn chứng hay được nhắc đến là thế hệ Gen Z có thói quen đọc lướt, đọc nhanh thay vì nghiền ngẫm. Họ có xu hướng tìm kiếm các thông tin hấp dẫn về mặt hình ảnh hơn là âm thanh hay con chữ, được cá nhân hóa theo sở thích. Và đa phần trong số họ cũng không còn tìm tới đọc sách như một hình thức giải trí, thư giãn và suy tư cho những ý tưởng sáng tạo mà thường bị áp lực đọc để phục vụ công việc hoặc đó là nhiệm vụ mà họ phải thực hiện. Điều này cũng ảnh hưởng đến thói quen và đặc điểm của họ đối với việc đọc, đặc biệt là đọc sách. Vì vậy, để khích lệ, cổ vũ, tạo thói quen đọc với các bạn trẻ, trước hết cần có những sản phẩm phù hợp.
Thực tế cho thấy, người trẻ tại thời điểm này dễ dàng bị hấp dẫn bởi các trang mạng xã hội thay vì sách báo. Việc đi ngược với xu thế này, như một nhà văn từng ví von, giống như dúi cuốn sách vào tay một đứa trẻ 14, 15 tuổi trước nay chỉ quen cắm mắt vào game trên máy tính, ép em đọc, giống như ép một người chuyển máy bay khi máy bay đang ở trên không. Đó là điều vô cùng khiên cưỡng và khó đem lại hiệu quả tích cực. Bởi vậy, thay vì ép đọc, cần phải thay đổi cách thức, nội dung… như tận dụng sức hút của công nghệ nghe nhìn để lôi kéo độc giả mới, để họ có niềm vui thực sự trong việc đọc.
Cũng cần nhận thức rõ, việc xây dựng gốc rễ, bền lâu trong văn hóa đọc rõ ràng là một việc không thể áp đặt cứng nhắc bằng mệnh lệnh hành chính mà là cả một quá trình bền bỉ, lâu dài từ gia đình, nhà trường và xã hội. Gần đây, chúng ta đã có những phong trào về văn hóa đọc, nhiều hoạt động khuyến đọc được tổ chức thông qua các hội chợ sách, giao lưu với tác giả, nhà xuất bản... Tại nhà trường, nhiều phường, xóm, các tủ sách, thư viện nhỏ cũng được xây dựng, song dường như những điều này mới chỉ là phần ngọn, chưa phải là gốc rễ. Gốc rễ là phải chạm đến từng con người, thói quen của từng cá nhân, mỗi gia đình, mỗi tập thể hay là một cộng đồng nho nhỏ...
Có người nói thói quen đọc sách phải được gieo trồng từ thời thơ ấu, nảy mầm và trở thành khát khao tự nhiên, sẽ theo ta suốt cuộc đời. Cùng với xã hội và nhà trường, gia đình chính là cái nôi nuôi dưỡng và duy trì thói quen đọc sách cho trẻ. Ông bà, cha mẹ chính là những người gần gũi với con cháu nhất, dẫn dắt, hình thành cho con trẻ những lối sống, thói quen. Cũng có nhiều quan điểm cho rằng, văn hóa đọc đi xuống như thời gian qua một phần do việc tự đọc, tự học trong nhà trường bị xem nhẹ. Học sinh quá quen với việc cô đọc - trò chép mà bỏ qua những giờ tự học, đọc, tự nghiên cứu… Một loạt nguyên nhân được chỉ ra như hình thức xuất bản cũ kỹ, không đủ hấp dẫn, rằng hệ thống thư viện lạc hậu giống như kho đựng sách…
Song nguyên nhân sâu xa hơn có lẽ chính là chưa lan tỏa được ý nghĩa của việc đọc sách và đã gán cho việc đọc sách quá nhiều thông điệp lớn lao khiến cho các bạn trẻ cảm thấy áp lực. Việc đọc không chỉ là phong trào mà phải là nhu cầu tự thân. Có lẽ như vậy, tình yêu với sách mới có thể được bồi đắp qua thời gian.