Đây là phương pháp phẫu thuật lấy thận ra khỏi cơ thể người bệnh để phẫu thuật viên sửa lại các bệnh lý và khiếm khuyết của thận rồi đưa thận trở lại vào trong cơ thể, ghép lại cuống mạch máu để nuôi sống thận.
Trước đó, bệnh nhân Nguyễn Thị Ngọc D. (40 tuổi, ngụ tại TPHCM) đến BV Đại học Y Dược khám vì đau bụng kéo dài trên 2 năm. Khoảng 6 tháng gần đây, người bệnh thấy bụng ngày càng to dần, nặng tức bụng như có thai. Người bệnh mệt mỏi, ăn kém, sụt cân.
Sau thăm khám bụng, bác sĩ phát hiện một khối u lớn chiếm hết nửa bụng bên phải của người bệnh. Kết quả chụp CT scan bụng thấy có khối u lành tính (u mỡ - cơ - mạch máu) xuất phát từ cực dưới của thận phải, kích thước 30 cm x 25 cm, đi từ mặt dưới gan kéo dài đến tận bàng quang. Khối u vượt qua đường giữa bụng, chèn ép vào các mạch máu lớn trong ổ bụng. Ngoài ra, ở thận còn lại cũng có 1 khối u với bản chất tương tự, nhưng kích thước nhỏ hơn, chỉ khoảng 3cm.
Theo TS.BS Nguyễn Hoàng Đức – Trưởng khoa Tiết niệu nhận định, đa số các trường hợp bướu lớn như vậy đều được xử trí bằng phẫu thuật cắt bỏ bướu cùng với thận, hiếm khi giữ lại được thận. Tuy nhiên, ở người bệnh này, các bác sĩ cố gắng tối đa giữ lại thận cho người bệnh vì ở thận trái cũng có 1 bướu tương tự mặc dù kích thước còn nhỏ. Nếu cắt bỏ thận phải và trong tương lai bướu ở thận trái phát triển to ra thì nguy cơ người bệnh bị suy thận mạn tính sẽ rất cao. Do đó bảo tồn thận phải cho người bệnh là một vấn đề sống còn.
Sau hơn 90 phút để bóc tách và bảo tồn cuống mạch máu của thận và 1 giờ đồng hồ để bóc tách khối u ra khỏi các cơ quan dính xung quanh. Khối u cùng với thận được cắt đem ra ngoài cơ thể. Phẫu thuật viên nhanh chóng cắt khối u ra khỏi thận để tiến hành rửa sạch thận và ướp lạnh thận. Thận sau khi rửa sạch lại được đưa vào trong cơ thể người bệnh để ghép vào vùng hố chậu bên phải.
Ca mổ hoàn tất sau hơn 4 tiếng. Bảo tồn được thận phải cho người bệnh. Siêu âm mạch máu kiểm tra sau mổ cho thấy thận phải hoạt động tốt và bệnh nhân đang dần ổn định.