“Bốc hỏa” vì nắng nóng gay gắt

Cả nước đang chìm trong các đợt nắng nóng rất gay gắt. Tại nhiều tỉnh, thành phố, nhiệt độ lên tới 39-40 độ C, gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân. Đặc biệt, thời tiết nóng không chỉ khiến nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát mà còn làm nhiều người mệt mỏi, căng thẳng, gây ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Rối loạn thần kinh

Tại Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, số người tới khám, điều trị các bệnh mất ngủ, đau đầu, căng thẳng do ảnh hưởng của thời tiết nóng bức đang có chiều hướng gia tăng.

W4c.jpg
Bác sĩ Bệnh viện tâm thần Quảng Ninh thăm khám cho người bệnh bị rối loạn giấc ngủ do nắng nóng

Sau gần 1 tuần mất ngủ, chị Lê Thị Thu (42 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) quyết định tới khám tại Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia. Tại đây, sau khi thăm khám và làm một số bài kiểm tra về tâm thần, các bác sĩ chẩn đoán chị Thu bị rối loạn giấc ngủ do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng gây ra. Đây cũng là biểu hiện ban đầu của rối loạn sức khỏe tâm thần.

Ông Đàm Kiều Dương (67 tuổi, ở Lương Sơn, Hòa Bình) từng có tiền sử tâm thần phân liệt nên trong những ngày thời tiết nóng bức vừa qua, tình trạng bệnh của ông có chiều hướng chuyển nặng khi ăn không ngon, ngủ không yên, cơ thể luôn cảm thấy bứt rứt, khó chịu và thỉnh thoảng lại xuất hiện suy nghĩ tiêu cực. Tại bệnh viện, sau khi thăm khám, bác sĩ đã phải bổ sung và tăng liều lượng một số loại thuốc cho ông Dương.

Theo các bác sĩ, dù cho tới nay chưa có nhiều nghiên cứu khẳng định rõ ràng thời tiết nóng bức kéo dài là nguyên nhân trực tiếp tác động đến sức khỏe tâm thần, nhưng đây là yếu tố tác động làm gia tăng nguy cơ căng thẳng (stress), mệt mỏi, uể oải của cơ thể.

Bác sĩ Dương Minh Tâm, Trưởng phòng điều trị rối loạn liên quan stress, Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, chia sẻ, thời tiết nóng bức kéo dài khiến cơ thể có cảm giác khó chịu. Ngoài ra, những người nhạy cảm với yếu tố thời tiết khi gặp thời tiết nóng bức rất dễ bị ảnh hưởng cả về sức khỏe và tâm thần, làm gia tăng căng thẳng, mất tập trung, khó kiểm soát được tâm lý. Đặc biệt, người có tiền sử bệnh trầm cảm, sang chấn về tâm lý hoặc tâm thần càng dễ bị “bốc hỏa”, tái phát bệnh vì khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao, cơ thể gia tăng thân nhiệt sẽ kích thích mạnh thần kinh nhiều hơn.

Quan tâm hơn tới cơ thể

Theo các chuyên gia y tế, khi nhiệt độ càng cao, cơ thể càng phải tiết nhiều mồ hôi để tự làm mát. Kết quả, cơ thể bị mất nước và không đủ lượng nước cần thiết. Nước chiếm khoảng 60% trọng lượng cơ thể, chiếm 85% bộ não; chỉ cần mất đi 1/10 lượng nước, não và các cơ quan khác sẽ không thể hoạt động bình thường. Do vậy, nhiều người có cảm giác mệt mỏi, ra mồ hôi nhiều, tệ hơn là kiệt sức, choáng, giảm sức đề kháng, ăn uống không ngon miệng và dễ cáu gắt hơn bình thường khi thời tiết nóng bức kéo dài.

Thời tiết nóng như thiêu đốt cũng làm cơ thể sản xuất melatonin ít hơn, trong khi đây lại là một hormone được sản xuất bởi tuyến não giúp điều chỉnh nhịp sinh học và giấc ngủ của con người, từ đó làm gián đoạn nhịp sinh học của con người, gây ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần, rối loạn giấc ngủ.

Thời điểm mùa hè thường làm gia tăng các bệnh như: tâm thần phân liệt, động kinh, rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu. Đặc biệt, với người bệnh có tiền sử bệnh lý về tâm thần phải uống nhiều nước hơn, nên thuốc điều trị sẽ bị đào thải nhanh hơn, dẫn đến nồng độ thuốc trong cơ thể thấp hơn, từ đó bệnh dễ tái phát.

Dự báo trong mùa hè năm nay, cả nước ta sẽ trải qua nhiều đợt nắng nóng gay gắt. Vì vậy người dân cần bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tâm thần. Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần chú ý chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình nhiều hơn để thích nghi với điều kiện nóng bức kéo dài. Mọi người nên tránh đi ra ngoài trời vào lúc nắng gắt, không làm việc quá sức, uống nhiều nước, tránh các đồ uống có cồn và chất kích thích.

Nếu người lao động phải làm việc ngoài trời thì cần cố gắng sắp xếp các hoạt động ngoài trời vào buổi sáng và buổi tối; chỉ nên tiếp xúc với ánh mặt trời trong thời gian ngắn, tranh thủ nghỉ ngơi thường xuyên trong khu vực bóng râm để cơ thể có thời gian điều chỉnh nhiệt độ. Khi gặp các triệu chứng mất ngủ, căng thẳng kéo dài thì nên đi khám để được tư vấn điều trị kịp thời.

Đối với những gia đình có người thân bị tiền sử bệnh tâm thần, cần thường xuyên quan tâm người mắc bệnh, tránh để người bệnh ở môi trường oi bức, ngột ngạt, tránh kích thích tâm lý đối với người bệnh. Cùng với đó, nên đưa người bệnh đi tái khám kịp thời để bác sĩ điều chỉnh thuốc, tránh bệnh trở nặng và người bệnh có thể gây ra hành động nguy hiểm.

Tin cùng chuyên mục