Ngày 3-6, liên quan tới vụ tai biến y khoa rất nghiêm trọng khiến 18 bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình bị sốc phản vệ, trong đó đã có 7 trường hợp tử vong, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, y tế các bộ, ngành chấn chỉnh việc chạy thận nhân tạo, nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh chạy thận nhân tạo
Theo đó, Cục Quản lý Khám chữa bệnh nêu rõ, chạy thận nhân tạo lọc máu chu kỳ tại Việt Nam đã triển khai từ nhiều năm nay, có hàng ngàn lượt người bệnh chạy thận nhân tạo chu kỳ mỗi ngày tại các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh và tại một số bệnh viện tuyến huyện an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên, ngày 29-5 vừa qua, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã xảy ra sự cố y khoa, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến 18 người đang chạy thận bị ảnh hưởng, trong đó có 7 người đã tử vong.
Hiện nay, Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình và Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai đang tích cực giải quyết các vấn đề chuyên môn liên quan và cùng các cơ quan chức năng tìm nguyên nhân dẫn đến sự cố nghiêm trọng này.
Để phòng tránh các sự việc tương tự, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị các đơn vị trực tiếp thực hiện chạy thận nhân tạo hoặc chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc có chạy thận nhân tạo tuân thủ đúng Hướng dẫn quy trình lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo được ban hành, Hướng dẫn Quy trình kỹ thuật rửa và sử dụng lại quả lọc thận ban hành của Bộ trưởng Bộ Y tế, cùng các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn.
Các đơn vị rà soát toàn bộ các bước chuẩn bị máy thận nhân tạo, dịch lọc thận, hệ thống xử lý nước, quả lọc thận, dây máu, kim chọc, các loại thuốc chống đông, hộp thuốc chống phản vệ, quy trình vận hành máy, hồ sơ bệnh án và các nội dung liên quan khác đến chạy thận nhân tạo.
Trong khi đó, liên quan tới việc cứu chữa cho Nguyễn Thị Bích Nguyên (45 tuổi) là bệnh nhân chạy thận bị tai biến nặng cuối cùng của sự cố y khoa này đang được điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, GS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai, Trưởng đoàn công tác tại Hòa Bình cho biết tình trạng của nữ bệnh nhân này vẫn rất nguy kịch.
Từ ngày 29-5 đến nay, bệnh nhân đã có 3 lần ngừng tim và hiện vẫn đang trong tình trạng suy đa phủ tạng. Tất cả 6 tạng chính (tuần hoàn, hô hấp, gan, thận, đông máu và thần kinh trung ương) của cơ thể bệnh nhân Nguyên đều bị suy nặng. Trong khi đó theo y văn thế giới, bệnh nhân suy 6 tạng, tỉ lệ tử vong gần như 100%. Hiện các chỉ số sinh tồn bệnh nhân phụ thuộc gần như hoàn toàn vào máy móc. Tuy nhiên các bác sĩ vẫn đang nỗ lực, tập trung mọi nguồn lực, máy móc, phương tiện tốt nhất để cứu tính mạng của bệnh nhân dù chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng một ngày.
Đối với 10 bệnh nhân còn lại được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai điều trị, tình trạng sức khỏe và tinh thần đã ổn định. Dự kiến các bệnh nhân này sẽ được chuyển sang chế độ lọc máu chu kỳ trong những ngày tới.