Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Thanh Hóa điều tra, họp hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vaccine để đánh giá, kết luận về trường hợp nêu trên, triển khai các hoạt động khắc phục sự cố và báo cáo theo quy định; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với các đơn vị, cá nhân vi phạm và nghiêm túc chấn chỉnh việc thực hiện quy trình tiêm chủng tại địa phương, không để xảy ra các sai sót trong tiêm chủng; rà soát lại toàn bộ quy trình tiêm chủng để chấn chỉnh hoạt động tiêm chủng trên địa bàn...
Bộ Y tế yêu cầu xử lý nghiêm vụ tiêm vaccine hết hạn cho trẻ em ở Thanh Hóa |
Về phía Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật cho địa phương trong việc điều tra, xác minh nguyên nhân sự cố sau tiêm chủng và đề xuất các hoạt động khắc phục sự cố trong thời gian tới.
Trước đó, sáng 9- 5, Trạm y tế Thăng Bình tổ chức tiêm chủng vaccine dịch vụ cho 15 trẻ em trên địa bàn, trong đó có 6 liều vaccine Hexaxim “6 trong 1” do Pháp sản xuất; 9 liều vaccine phế cầu của Bỉ và 1 liều vaccine Rotavirus của Việt Nam.
Sau khi tiêm, gia đình một số trẻ phát hiện có 4/6 trẻ từ 2 tháng đến 4 tháng tuổi đã bị tiêm vaccine Hexaxim hết hạn tháng 3. Trước sự việc này, cán bộ trạm y tế đã phối hợp phụ huynh đưa những trẻ bị tiêm vaccine hết hạn đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa theo dõi sức khỏe và hiện sức khỏe của các trẻ này không có dấu hiệu bất thường, ngoài trừ bị sốt nhẹ.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng Nông Cống, 4 liều vaccine hết hạn nói trên nằm trong tổng số 165 liều vaccine được đơn vị mua từ Công ty Thiết bị y tế Hà Nội vào ngày 23-5-2022 để tiêm dịch vụ. Lô vaccine này được sản xuất tháng 4-2020 và hết hạn vào tháng 3-2023.
Sau khi xảy ra sự cố nói trên, Trung tâm Y tế dự phòng huyện Nông Cống đã rà soát và khẳng định 4 lọ vaccine Hexaxim tiêm cho trẻ ngày 9-5 tại xã Thăng Bình là những liều cuối cùng của lô hàng trên.